Khoảng 5:50 sáng (giờ Mỹ), Dow Jones futures giảm hơn 500 điểm, báo hiệu sẽ rơi 1.000 điểm khi chính thức giao dịch. S&P 500 và Nasdaq-100 futures cũng có diễn biến tương tự. Các chỉ số tương lai đã giảm kịch trần ở đầu phiên và giao dịch tiếp tục được tạm ngừng, sau khi thị trường giảm sâu 5%.
Dẫu vậy, các quỹ đầu tư chỉ số lại không bị giới hạn giao dịch, cho thấy khi mở cửa thị trường sẽ diễn biến theo hướng nào. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P 500 ETF giảm 5,6%, SPDR Dow Jones Industrial Average ETF rớt 5,9% và Invesco QQQ Trust cũng mất 5,7%.
Ở phiên 17/3, thị trường đã hồi phục từ đà giảm sâu, ghi nhận mức lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1987, trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng về kế hoạch kích thích tài khoá lớn của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo đó, Nhà Trắng đang cân nhắc một gói kích thích tài chính trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ trực tiếp người Mỹ, cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và ngành hàng không. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng cho biết các doanh nghiệp cũng có thể được hoãn các khoản thuế lên tới 10 triệu USD, trong khi các cá nhân là khoảng 1 triệu USD cho Sở Thuế vụ.
CNBC đưa tin, ông Mnuchin phát biểu trước các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 20% nếu Quốc hội không thông qua gói kích thích 1 nghìn tỷ USD mà ông đề xuất.
Tại châu Âu, thị trường chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ, dù chính phủ các nước hứa hẹn sẽ tung gói kích thích hàng tỷ USD để giúp các doanh nghiệp và công nhân vượt qua đại dịch Covid-19. Stoxx 600 đã mất 3,7% ở đầu phiên, các cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính mất 5,8%. Tất cả các lĩnh vực đều ghi nhận diễn biến tiêu cực, ngoại trừ ngành viễn thông tăng 2,4%.
Cổ phiếu Rolls-Royce đã giảm 18,7%, trong khi cổ phiếu nhà sản xuất máy bay Airbus giảm 14% sau khi Reuters thông báo rằng Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế đối với máy bay của hãng thêm 50%.