Lo ngại tăng trưởng yếu, nhiều nước nới lỏng tiền tệ
Theo hãng tin Bloomberg, kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong khoảng 2,25 - 2,5%.
Đáng chú ý, FED cũng phát tín hiệu sẵn sàng có đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008 do những điểm chưa chắc chắn mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Giới quan sát cho rằng, gần như chắc chắn FED sẽ hạ lãi suất vào tháng 7 tới.
Cùng với FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phát tín hiệu về việc sớm hạ lãi suất và khả năng tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng nếu lạm phát tiếp tục thấp xa so với mức mục tiêu 2%. Các ngân hàng trung ương khác như Australia, Ấn Độ và Nga đều đã giảm lãi suất. Cơ sở để cơ quan điều hành chính sách tiền tệ các nước tiến hành động thái này là mong muốn thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp.
Bình luận về động thái chính sách nói trên của ngân hàng trung ương các nước, TS. Bùi Quang Tín, Chủ tịch Trường Doanh nhân Bizlight nói: “Diễn biến đáng chú ý hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng chuyển thành chiến tranh tiền tệ. Trước bất ổn đó, cùng với lạm phát ở mức tương đối thấp, ngân hàng trung ương các nước có xu hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Đó là cách ứng xử phù hợp”.
Việt Nam linh hoạt trong điều tiết cung tiền
Tại Việt Nam, trước tác động từ các yếu tố trong và ngoài nước, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đã có tín hiệu tăng từ đầu năm đến nay. Với mức lạm phát được kiểm soát và gần như chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu của cả năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cơ quan này tiếp tục sử dụng các công cụ cần thiết để điều tiết cung cầu trên thị trường tiền tệ. Báo cáo nghiên cứu của SSI Research cho biết, tuần từ 17 - 21/6, NHNN đã hút ròng 3.179 tỷ đồng, chủ yếu bằng tín phiếu, đẩy số lượng tín phiếu lưu hành lên xấp xỉ 68 nghìn tỷ đồng.
Thanh khoản vẫn dồi dào khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn, về mức 3,1%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,28%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn duy trì ổn định ở mức 4,1% - 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5 - 7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 6,4 - 7,8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng, trừ một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ đưa ra mức lãi suất trên 8%/năm.
NHNN cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại cuối tháng 4/2019 của khối các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và khối các NHTM cổ phần lần lượt ở mức 31% và 31,5% - giảm so với mức 31,6% và 32,9% tại cuối tháng 2/2019. Mức giới hạn tối đa của chỉ tiêu này hiện tại là 40% và dự kiến sẽ giảm về mức 30% trong 2 - 3 năm tới theo Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
SSI Reseach nhận định, vì những yếu tố như trên, lãi suất với các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) vẫn khó giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ theo các chương trình ngắn hạn để thực hiện các mục tiêu của các ngân hàng.
Từ chủ trương nới lỏng tiền tệ của các nước khác, liên hệ với Việt Nam, ông Bùi Quang Tín cho rằng, chính sách tiền tệ Việt Nam không hẳn thắt chặt cứng nhắc mà thực chất là vừa thắt vừa nới khá linh hoạt. Theo đó, NHNN vẫn tìm cách giảm lãi suất, nỗ lực điều tiết chính sách tỷ giá để giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng.
“Với các yêu cầu về quản trị hiện nay cùng yêu cầu thay đổi quản trị trong vài năm tới, nhiều ngân hàng không dám kinh doanh rủi ro như trước. Đồng thời, nợ xấu vẫn là nỗi lo thường trực của các ngân hàng. Do đó, các NHTM sẽ thận trọng trong giải ngân. Năm nay, hạn mức tín dụng được phân bổ cho nhiều ngân hàng ở mức thấp hơn các năm trước song không chắc các NHTM có thể tăng trưởng hết hạn mức tín dụng”, ông Tín nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cách điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN là phù hợp bối cảnh trong nước và quốc tế, nên tiếp tục tạo điều kiện về vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp và duy trì việc kiểm soát chặt chẽ với các lĩnh vực rủi ro.