Một quan chức ngoại giao giấu tên cho hay trong cuộc họp kín diễn ra tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, các quan chức cấp cao Mỹ đã thông báo với đại sứ các nước NATO về kế hoạch rút khỏi INF. Đức và một số đồng minh châu Âu kêu gọi Mỹ có nỗ lực phút chót nhằm thuyết phục Nga ngừng các hành động mà phương Tây cho là vi phạm INF, hoặc có thể cùng Moskva đàm phán lại INF với sự tham gia của Trung Quốc.
Quan chức này nhấn mạnh các nước đồng minh châu Âu muốn chứng kiến nỗ lực cuối cùng nhằm tránh việc Mỹ rút khỏi INF, điều mà Moskva mô tả sẽ khiến thế giới mất an toàn.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định Moskva tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận ra đời từ năm 1987 này.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là "chỗ dựa" giúp kiểm soát vũ khí và quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu. Nhiều quan chức ngoại giao cho rằng giới chức Mỹ nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc chính thức rút khỏi INF cho đến sau cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11/11 tới tại Paris (Pháp).
Cùng ngày, Nga đã đệ trình dự thảo nghị quyết tại Liên hợp quốc, yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc hối thúc Moskva và Washington nỗ lực củng cố INF và tăng cường hiệu lực của thỏa thuận, để INF trở thành "hòn đá tảng" trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Cũng theo dự thảo nghị quyết, Đại hội đồng hối thúc Nga và Mỹ tiếp tục đàm phán về thực hiện các nghĩa vụ của mình trong hiệp định, đồng thời đối thoại xây dựng về các vấn đề chiến lược trên cơ sở công khai, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác. Moskva coi việc bảo vệ INF là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nga cũng kêu gọi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp tới.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987, theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500km tới 5.500km)./.