Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận 2020 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, một trong các yếu tố bất lợi là sự khó đoán trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều có hướng đi riêng để vượt qua khó khăn và đề ra kế hoạch tăng trưởng sau một năm còn nhiều khó khăn.
CEO DIG: Thị trường bất động sản 2020 có nhiều bất lợi
Ông Hoàng Văn Tăng.
Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc DIG ( HoSE: DIG ) đánh giá thị trường bất động sản năm 2020 nhìn chung có nhiều biến động bất lợi như vấn đề pháp lý, siết chặt tín dụng bất động sản và ảnh hưởng từ sự cố “vỡ trận” của một vài dự án condotel.
Các địa phương đều đang trong giai đoạn rà soát việc quản lý đất đai. Việc xử lý thủ tục pháp lý để triển khai dự án mới tốn rất nhiều thời gian và công sức, dẫn đến chi phí tăng. Không chỉ tại các thành phố lớn và đông dân như Hà Nội, TP HCM… mà tại nhiều tỉnh, thành việc xin cấp phép dự án mới cũng khó khăn hơn do địa phương ngày càng siết chặt hơn trong việc xem xét, phê duyệt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống pháp lý cũng như quỹ đất ngày càng thu hẹp.
Siết chặt tín dụng bất động sản gây bất lợi khi dòng tiền của các ngân hàng rót vào lĩnh vực này thận trọng hơn, đặc biệt là với phân khúc bất động sản cao cấp. Kể từ ngày 1/1/2020 - thời điểm Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, các ngân hàng chỉ được sử dụng đối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn như bất động sản và tỷ lệ này sẽ còn giảm tiếp. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư sự đổi mới, thay đổi tư duy đầu tư kiểu cũ để tìm ra hướng đi phù hợp.
Với DIG, ông Tăng chia sẻ đơn vị sẽ ưu tiên phát triển các dự án khu đô thị vùng ven để giãn dân từ các thành phố lớn trong năm 2020. Mục tiêu là thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế địa phương và giải quyết vấn đề việc làm. Đồng thời, tổng công ty tập trung tối đa mọi nguồn lực để hoàn thiện thủ tục pháp lý các đã được giao làm chủ đầu tư.
Năm 2020, DIG dự kiến đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, tăng 54,5% so với kế hoạch 2019. Lợi nhuận năm tới sẽ đến từ 3 dự án chủ yếu gồm dự án tổ hợp chung cư Vũng Tàu Gateway – trung tâm Chi Linh (gần 600 tỷ đồng), khu phức hợp CSJ giai đoạn 1 – TP Vũng tàu (hơn 200 tỷ đồng) và một phần dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên – Phân khu 1 và 2.
Phó Chủ tịch Nam Việt: Khó khăn nào cũng sẽ qua đi, giá cá nguyên liệu không thể mãi thấp hơn giá thành
Ông Nguyễn Duy Nhứt. |
Năm 2019 là năm rất khó khăn của ngành cá tra Việt Nam. Giá cá nguyên liệu giảm mạnh, có lúc chỉ còn 19.000 đồng/kg làm cho người nuôi thua lỗ. Tiêu thụ tại thị trường Mỹ giảm gần 48%, thị trường EU không tăng làm cho hầu hết doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.
Nhìn về 2020, ông Nguyễn Duy Nhứt – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Việt (Navico, HoSE: ANV ) chia sẻ với Người Đồng Hành rằng mọi sự khó khăn nào cũng sẽ qua đi, thị trường là người điều tiết cung cầu một cách khách quan và công bằng nhất, giá cá nguyên liệu không thể mãi thấp hơn giá. Con cá tra Việt Nam đã khẳng định vị thế trên 100 quốc gia, ngày càng chứng minh tính vượt trội trong cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả với các sản phẩm khác. Do đó, giá xuất khẩu phải đi lên.
Năm vừa qua, Navico ước kim ngạch xuất khẩu đạt trên 150 triệu USD, lợi nhuận sau thuế trên 700 tỷ đồng. Công ty hoàn thành kế hoạch năm và tăng 16% lợi nhuận so với năm 2018. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là công ty đã hình thành thành chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu trong sự đa dạng của thị trường. Hướng đến 2020, Navico dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng 10% đến 15% và lợi nhuận sau thuế thấp nhất là 730 tỷ đồng, ông Nhứt cho hay.
Tổng giám đốc PV GAS: Năm 2020 ngành dầu khí tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Ông Dương Mạnh Sơn. Nguồn: PV GAS |
Tại lễ tổng kết năm, ông Dương Mạnh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS, HoSE: GAS ) cho biết năm 2020, tổng công ty tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc các nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, nguồn khí mới LNG bổ sung chưa kịp thời; các sự cố thiết bị gây gián đoạn cấp khí/dừng cấp khí của phía thượng nguồn ngày một tăng làm tăng chi phí bảo dưỡng sửa chữa; nhiều dự án có nhu cầu vốn lớn, tiến độ sát, cần phải tập trung và huy động nguồn lực lớn mới đảm bảo tiến độ. Cơ chế chính sách có nhiều thay đổi, một số cước phí/giá khí vẫn chưa được phê duyệt chính thức, một số hợp đồng/phụ lục sửa đổi về mua bán khí với khách hàng khả năng tiếp tục mất nhiều thời gian để đàm phán, thống nhất…
Trước tình hình đó, PV GAS đặt mục tiêu tổng doanh thu 66.163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.636 tỷ đồng. Kế hoạch này giảm khá nhiều so ước thực hiện 2019 do tính toán dựa trên giá dầu 60 USD một thùng, cũng như tránh những biến động thất thường về chính trị trong nước và thế giới.
Dựa trên các dữ liệu phân tích trong nước và thế giới, PV GAS dự báo, trong năm 2020 giá brent vẫn chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ở mức 63-65 USD một thùng. Riêng với LPG, giá hợp đồng sẽ đạt khoảng 440-450 USD một tấn, bằng với giá 2019.
CEO Vinatex: Năm 2020 tiếp tục là năm “khó thở”, doanh nghiệp dệt may phải có hướng đi riêng
Ông Lê Tiến Trường. Nguồn: Vinatex |
Chia sẻ trong buổi họp báo đầu năm, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT ) dự báo bức tranh kinh tế năm 2020 sẽ còn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tương lai cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa rõ ràng… Do đó, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay của tập đoàn dự kiến gồm doanh thu (chưa VAT) đạt 50.922 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.552 tỷ đồng; tăng lần lượt 3% và 11,5% ước thực hiện 2019.
Trong bối cảnh mới, ngoài các yêu cầu về giá, chất lượng, tiến độ như thông thường, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế. Cùng với đó là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA).
Ông Trường cho hay để đáp ứng quy tắc xuất xứ, Việt Nam cần phải đầu tư vào khâu sản xuất vải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ nên đầu tư khi có sự đảm bảo của những đối tác đứng đầu chuỗi cung ứng (người có vai trò quyết định về mẫu mã, sản lượng, kênh phân phối). Có đầu ra cho sản phẩm mới là con đường các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đi, thay vì đầu tư dàn trải, bởi chúng ta không thể cạnh tranh với giá vải nhập từ Trung Quốc (chiếm 54% lượng vải toàn cầu), Ấn Độ (chiếm 20%)…
Trong bối cảnh thế giới có rất nhiều quốc gia mới nổi, nhất là khu vực châu Phi gây thách thức không ít cho ngành may của Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần phải tập trung đầu tư công nghệ nhằm đẩy mạnh việc quản trị theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0 để có thể tiếp tục duy trì lợi thế của người đi trước.
Ông Trường cho rằng nếu như các doanh nghiệp không có những hướng đi, chiến lược riêng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng biến động khó lường, thì câu chuyện khó khăn của năm 2019 sẽ còn tái diễn. Đó chính là việc đơn hàng sẽ nhỏ đi về quy mô, thời gian giao hàng nhanh hơn, giá các đơn hàng giảm, chứ không phải “dễ thở” như những năm trước đây.
Chủ tịch Hoa Sen: Thị trường tôn, thép 2020 vẫn rất khó lường
Ông Lê Phước Vũ. |
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ niên độ 2019-2020, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen ( HoSE: HSG ) nhận định thị trường tôn, thép năm qua tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, bất lợi. Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ, rào cản thuế quan và sự leo thang xung đột thương mại; thị trường nội địa mức độ sàng lọc ngày càng khốc liệt, mất cân đối cung cầu, cạnh tranh về giá; các sản phẩm tôn thép nước ngoài chất lượng kém vẫn len lỏi vào thị trường nội địa gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Do vậy, năm 2020 sẽ là năm khó lường, không dự báo nào là chắc chắn. Hoa Sen tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tái cấu trúc toàn diện, linh hoạt để vượt qua khó khăn. Đồng thời, kể từ khi thành lập đến nay, Hoa Sen luôn sử dụng chiến lược “đá tấn công” nhưng thời gian sắp tới sẽ “phòng thủ”, ưu tiên về sự lành mạnh của báo cáo tài chính, việc đầu tư cân nhắc hết sức thận trọng.
Năm 2020, Hoa Sen đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn, tương đương năm trước. Doanh thu thuần 28.000 tỷ đồng, giảm nhẹ và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng 11%.