Thời gian qua hàng loạt nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng vì thiếu nước, trong khi một số nhà máy nhiệt điện cũng phải tạm ngừng hoạt động vì khan hiếm nguồn than, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (ENV) cho biết đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép EVN được chủ động nhập khẩu một phần than để đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện.
Có thể phải huy động nguồn điện chạy dầu
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện lãnh đạo EVN cho biết nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, tuy nhiên hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Vấn đề đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN, còn phụ thuộc rất nhiều các nhà máy điện ngoài EVN.
Theo ghi nhận của EVN, đến cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung không tích đủ nước dẫn tới sản lượng thủy điện thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Khả năng cấp than trong nước cho sản xuất điện thấp hơn nhu cầu thực tế và phải nhập khẩu; nguồn khí trong nước đã suy giảm mạnh nhưng chưa có nguồn bổ sung.
Theo dự kiến năm 2019 nhiệt điện than sẽ chiếm tới 48% lượng điện của cả nước. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
Bên cạnh đó, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo từ năm 2019 tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện; các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, trong đó giá than, giá khí trong bao tiêu dự kiến tăng trong năm nay.
Ngoài ra, “năm 2019 dự kiến có thể phải huy động nguồn điện chạy dầu sẽ là thách thức với tài chính của Tập đoàn. Trong khi, nhu cầu vốn các dự án điện rất lớn, nhưng việc thu xếp vốn tiếp tục khó khăn…,” đại diện EVN nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình cung cấp điện mùa khô năm 2019, có khả năng thiếu điện hay không? Đại diện lãnh đạo EVN cho biết, năm nay được xem là một năm vận hành căng thẳng của hệ thống điện quốc gia với nhiều thách thức lớn mà EVN cần giải quyết. Đó là khó khăn về nguồn nhiên liệu than và khí cho phát điện.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của hiện tượng El Nino, nên thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ cuối năm 2018 đến nay, thượng nguồn các sông ở Tây Nguyên mưa ít nên lượng nước về các hồ thủy điện hạn chế đã ảnh hưởng nhiều đến việc vận hành các nhà máy thủy điện.
(Ảnh: P.V/Vietnam+)
Hai “ông lớn” về than không cấp đủ than cho nhiệt điện?
Đề cập đến nhu cầu về than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện hiện nay (nguồn than trong nước và nhập khẩu phục vụ cho nhiệt điện), cũng như khó khăn về nguồn than, chất lượng than mà các nhà máy nhiệt điện đang gặp phải, đại diện EVN cho biết: Theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành, các nhà máy điện thuộc EVN cần khoảng 26 triệu tấn than sản xuất trong nước để phát điện.
Tuy nhiên, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (2 đơn vị cấp than sản xuất trong nước cho các nhà máy điện) do những khó khăn nhất định nên không thể cung cấp đủ lượng than trong nước phục vụ cho nhu cầu phát điện.
“Khối lượng than cấp cho phát điện mà trong nước không sản xuất đủ sẽ được TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhập khẩu thêm than từ nước ngoài về pha trộn với than sản xuất trong nước. Ngoài ra, EVN cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép EVN được chủ động nhập khẩu một phần than để đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện,” đại diện EVN nhấn mạnh.
Trước những sức ép về khan hiếm “vàng đen” và nguồn nước phục vụ cho phát điện, lãnh đạo EVN cho biết, với kế hoạch cung cấp điện do Bộ Công Thương phê duyệt, tính toán cân đối cung cầu, cũng như lường trước khó khăn, thách thức đặt ra, EVN đang nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm cung ứng đủ điện, an toàn và ổn định cho cả năm 2019, nhất là khu vực phía Nam.
Một nhà máy thủy điện ở tỉnh Quảng Nam, cạn trơ đáy do khan hiếm nguồn nước. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
Cụ thể vào mùa khô, tháng Tư được xem là cao điểm ở miền Nam và các tháng Sáu, Bảy là cao điểm nắng nóng ở miền Bắc. Do đó, EVN đã xây dựng phương án bảo đảm đủ điện với công suất dự kiến cao hơn 20% so với ngày cao nhất năm 2018. Trong tháng Hai, EVN đã đánh giá lại tình hình cân đối cung cầu và lập nhiều phương án với việc tính đến các mức độ rủi ro khác nhau.
Cùng với đó, EVN cũng đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện quốc gia thường xuyên cập nhật các thông số đầu vào, tính toán cân bằng cung cầu điện; điều hành tối ưu hệ thống điện; chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng điện và xử lý sự cố xảy ra.
“EVN cũng đã thường xuyên làm việc, trao đổi với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam để các nhà máy nhiệt điện ký hợp đồng mua than dài hạn. Ngoài ra, EVN cũng đã đề nghị Tổng công ty Khí Việt Nam có các giải pháp tìm các nguồn khí mới, bổ sung các nguồn khí đang bị suy giảm..,” đại diện EVN nói.
Hoạt động đổ xít, tuyển rửa xít, tập kết xít lẫn than tại 'thiên đường than lậu' ở khu vực Km6, phường Quang Hanh. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
Khó tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo
Theo nhận định của lãnh đạo EVN, hiện nay, thách thức lớn mà hệ thống điện Việt Nam đang phải đối mặt là việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (gió, Mặt Trời) vào hệ thống. Lý do là, với đặc tính vật lý tự nhiên, các nguồn điện này sẽ không ổn định, công suất phát phụ thuộc vào bức xạ Mặt Trời và có hệ số đồng thời khá cao-cùng phát khi trời nắng và cùng ngừng khi trời tối.
Ngoài ra, công suất nguồn năng lượng Mặt Trời thay đổi tức thời theo điều kiện thời tiết; các nhà máy trong cùng khu vực có xu hướng cùng biến động, dẫn đến sự thay đổi đồng thời một lượng công suất lớn-tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định hệ thống.
“Điều dễ nhận thấy là hiệu quả của dự án điện Mặt Trời phụ thuộc nhiều vào số liệu bức xạ Mặt Trời tại địa điểm làm dự án, nói dễ hiểu là mức độ nắng có mạnh và số ngày nắng có nhiều hay không. Ngoài ra, mặt bằng cho dự án cũng là vấn đề quan trọng. Do đó, các lưới điện đồng bộ để giải tỏa hết công suất đó cũng cần được bổ sung quy hoạch kịp thời để xây dựng và đưa vào vận hành,” đại diện EVN nói.
Một bãi tập kết, sàng tuyển xít, than nằm ven sông Kinh Thầy, trên địa bàn tỉnh Hải Dương. (Ảnh: P.V/Vietnam+)
Đại diện lãnh đạo EVN cũng nhận định, điện Mặt Trời có cả mặt tích cực lẫn hạn chế trong huy động và vận hành điều độ toàn bộ hệ thống, nhưng trong bối cảnh hiện tại có thêm nguồn điện nào, dù là nhỏ cũng rất quý, nhất là trong điều kiện khoảng vài năm gần đây không có nguồn điện lớn nào được khởi công để bổ sung cho hệ thống.
Hiện có tới gần 100 nhà đầu tư đang tập trung cao độ để phấn đấu đạt được các yêu cầu công nhận Ngày vận hành thương mại, và đưa vào vận hành. Với số lượng các nhà máy điện mặt trời dự kiến vào vận hành từ nay đến hết tháng 6 lên tới 98 dự án, sẽ gây khó khăn và áp lực lớn về tiến độ thử nghiệm, nghiệm thu; chưa kể một số thời điểm tình hình thời tiết không đảm bảo yêu cầu để vận hành thử nghiệm.
Trước những khó khăn này, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã chủ động gửi công văn và hướng dẫn các chủ đầu tư, phối hợp sớm cung cấp tài liệu, phục vụ chuẩn bị đóng điện vận hành.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc trong thời gian tới là rất lớn, nên để các nhà máy điện Mặt Trời đưa vào vận hành đúng tiến độ dự kiến, chủ đầu tư cần sớm cung cấp tài liệu kỹ thuật của dự án và đầu mối liên lạc cho các cấp điều độ theo quy định để phối hợp chuẩn bị đóng điện công trình../.