Ngày Valentine làm tăng mạnh doanh thu cho các nhà bán lẻ tại các thị trường: chocolate, thiệp, hoa, và các món quà truyền thống như trang sức, quần áo, sách, thậm chí là… bao cao su. Bên cạnh đó ngành nhà hàng, khách sạn cũng gặp tình trạng quá tải trong dịp này.
Theo Finder, tại Anh, trung bình mỗi năm các cặp vợ chồng ước tính chi hơn 2 tỷ GBP cho các sản phẩm dành cho Valentine, với khoảng 557 triệu GBP dành cho bữa tối, 461 triệu GBP cho quà tặng, 211 triệu GBP cho hoa, 173 triệu GBP cho đồ uống, 115 triệu GBP cho sôcôla và 57 triệu GBP còn lại để mua thiệp.
Trung bình mỗi người chi 28,45 GBP cho lễ tình nhân, và 52,8% người Anh làm điều đó.
Ở Mỹ, ngày lễ Tình nhân đóng góp khoảng 19,6 tỷ USD trong năm 2018 cho nền kinh tế, theo báo cáo của NRF, con số này nhiều hơn 18,2 tỷ USD đã được chi trong năm 2017 nhưng thấp hơn một chút so với mức 19,7 tỷ USD đã chi trong năm 2016. Báo cáo cũng cho thấy, 55% dân số Mỹ sẽ chi để kỷ niệm ngày này, và đàn ông chi tiêu gần gấp đôi phụ nữ: trung bình 196,39 USD mỗi chàng so với 99,87 USD mỗi cô gái.
Mặc dù tới nửa dân số Mỹ nhận được quà Valentine, nhưng chỉ 9,7 triệu người trong số đó nhận được món quà như ý. Còn lại 46,8% những người nhận được quà Valentine Day khác nói rằng họ không thích thú lắm với món quà mà họ nhận được.
Kinh tế Mỹ hưởng lợi nhiều nhất cho ngành trang sức và khách sạn, họ chi 4,7 tỷ USD cho trang sức, 3,7 tỷ USD cho khách sạn nhà nghỉ.
Tại châu Á, người Trung Quốc đại lục là những người chi tiêu nhiều nhất cho ngày lễ Tình nhân, theo kết quả của cuộc thăm dò MasterCard theo dõi chi tiêu xung quanh dịp này ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trung bình mỗi người Trung Quốc đại lục chi 274 USD vào ngày 14 tháng 2, Đài Loan và Hồng Kông theo sát với 245 USD và 231 USD, báo cáo của South China Morning Post. Tiếp theo là Singapore xếp thứ tư với 180 USD, và Thái Lan đứng top 5 với 145 USD.
Tạp chí Times of India còn đưa ra một thông tin vô cùng thú vị về Valentine ở Ấn Độ. Vài ngày trước 14/2, doanh thu của ngành công nghiệp bao cao su nước này tăng gần 25%. Và cũng không mấy ngạc nhiên khi trong tháng 3 thì lượng mua que thử thai lại tăng đột biến.
Chi tiêu của người Hàn trong dịp 14/2 không thực sự nổi bật vì trên thực tế, ngày 14 hàng tháng tại Hàn Quốc đều là ngày đặc biệt. Ngoài Valentine 14/2, họ có Valentine Trắng (ngày đáp lễ giống như Nhật Bản) 14/3, Valentine Đen (dành cho người độc thân) 14/4, Kiss Day 14/6,… và hàng loạt này 14 đặc biệt khác.
Ai bảo người độc thân thì không liên quan đến kinh tế Valentine?
Ngay cả những người độc thân cũng có thể gây ra các tác động kinh tế trong ngày lễ tình nhân, thông qua các ứng dụng hẹn hò. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hoạt động trên các trang web và ứng dụng hẹn hò tăng đáng kể trong ngày Valentine, khiến cho dịp này tạo ra lợi nhuận rất cao.
Điển hình là Tinder - ứng dụng hẹn hò lớn nhất thế giới với 26 triệu "match" (kết nối) mỗi ngày trên toàn cầu. Năm 2018, công ty này cho biết họ đã phá vỡ kỷ lục của chính mình vào ngày Valentine năm trước khi mọi người đổ xô vào sử dụng ứng dụng này để tìm kiếm tình yêu.
Những người độc thân còn có thói quen tự mua quà cho bản thân, bạn bè, con cái hoặc thậm chí là cho chó mèo của họ dịp Valentine. 8,72% người Anh mua quà Valentine cho chó mèo, con số này thậm chí nhiều hơn tỷ lệ mua quà cho bạn bè (5,52%), bản thân (3,49%) hay con cái (2,91%).