Xăng, dầu là những mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, tác động rất lớn đối với nhiều ngành nghề sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân. Do đó, các quốc gia đều sử dụng chính sách thuế để làm công cụ quản lý giá, điều tiết tiêu dùng xăng, dầu; đồng thời, điều tiết nguồn thu ngân sách.
Chính sách thuế đối với xăng, dầu ở các nước trên thế giới thường bao gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, trong đó mỗi sắc thuế có vai trò khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia.
Chính sách thuế đối với xăng dầu phụ thuộc vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, cũng như diễn biến giá dầu thế giới.
Theo Nhóm nghiên cứu chính sách thuế Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ xăng, dầu ở các nước rất khác nhau, khoảng 50 - 60% ở phần lớn các nước phát triển.
Mỹ
Ở Mỹ, xăng dầu sẽ chịu thuế của Chính phủ liên bang cộng thêm thuế của từng bang khác nhau. Chính phủ liên bang đánh thuế xăng dầu 18,3 cent/gallon đối với xăng và 24,3 cent/gallon đối với dầu diesel. Khoản thuế sau đó được cộng với thuế của từng bang, trung bình mức phải đóng là 30,63 cent/gallon xăng và 32,29 cent cho mỗi gallon đối với dầu diesel.
Ví dụ, tổng mức thuế đánh trên mỗi gallon ở California là 86,55 cent, bao gồm 51,1 cent thuế tiêu thụ đặc biệt của tiểu bang, 17,05 cent các loại thuế đi kèm của tiểu bang và cuối cùng là thuế xăng dầu liên bang.
Do đó nếu tính trung bình, tổng mức thuế xăng dầu người dân Mỹ phải chi trả khoảng 48,93 cent/gallon đối với xăng và 56,59 cent/gallon đối với dầu diesel.
Canada
Đối với Canada, xăng dầu chịu nhiều khoản thuế khác nhau giữa chính phủ liên bang và chính quyền của các thành phố lớn. Xăng dầu chủ yếu sẽ bị đánh thuế hàng hoá và dịch vụ (GST), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế của liên bang (PST) và các loại thuế của chính quyền các tỉnh, thành phố khác (HST).
Ngoài ra, tháng 4/2019, một số tỉnh, thành phố của Canada cũng áp dụng thêm thuế carbon khi tiêu thụ xăng dầu. Thuế carbon là khoản phí đánh vào mỗi tấn khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, nhằm giảm khí thải nhà kính lên môi trường.
Úc
Thuế nhiên liệu chính ở Úc là thuế tiêu thụ đặc biệt, thêm vào đó là thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Giống như Canada, thuế GST (trong trường hợp của Úc là 10%) được áp dụng cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt nhiên liệu.
Kể từ tháng 10/2018, thuế nhiên liệu ở Úc là 0,412 AUD/lít đối với xăng và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp (dầu diesel thông thường bị đánh thuế 0,412 AUD/lít).
Hàn Quốc và Nhật Bản
Thuế suất đối với xăng của Hàn Quốc và Nhật Bản gần như tương đương nhau. Cụ thể, Nhật Bản sử dụng thuế xăng, thuế xăng địa phương, thuế dầu khí và than (dầu thô) và thuế nhiên liệu bay, thuế khí hóa lỏng để kiểm soát các mặt hàng xăng, dầu thô, nhiên liệu bay, nhiên liệu sử dụng cho động cơ.
Còn ở Hàn Quốc, Chính phủ nước này sử dụng thuế giao thông vận tải - năng lượng - môi trường (trung ương) và thuế nhiên liệu động cơ (địa phương) cho mặt hàng xăng dầu. Thuế xăng dầu của Hàn Quốc hiện chiếm 30% giá thành bán ra.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tất cả nhiên liệu và dịch vụ năng lượng tại Nhật Bản đều phải chịu thuế tiêu thụ chung (tương tự như thuế giá trị gia tăng) ở mức sàn là 5% (4% trên toàn quốc và 1% của địa phương), cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác, với các mức thuế suất khác nhau.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng xăng dầu, thuế suất ở Nhật Bản là 48.600 JPY/kilo lít, ở Hàn Quốc là 475 KRW/lít. Cả hai mức thuế này đều xấp xỉ 0,4 USD/ lít. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, xăng dầu đều chịu cả thuế trung ương và thuế địa phương.
Trung Quốc
Mặt hàng xăng dầu ở Trung Quốc phải chịu thuế TTĐB cho nhiên liệu và thuế carbon. Trung Quốc đánh thuế TTĐB đối với xăng và dầu diesel, áp dụng cho việc sử dụng dầu diesel và xăng trên tất cả các lĩnh vực, lần lượt ở mức 1,52 NDT và 1,2 RMB/lít.
Đối tượng chịu thuế xăng dầu ở Trung Quốc bao gồm: xăng không chì, xăng pha chì, dầu diesel và nhiên liệu bay.
Thuế TTĐB với mặt hàng xăng dầu ở Trung Quốc thấp hơn khoảng 10 lần so với Hàn Quốc và Nhật Bản. Cụ thể, thuế suất thuế TTĐB với xăng có chì là 0,28 RMB/lít, tương đương 0,5 USD/lít, xăng không chì là 0,20 RMB/lít tương đương 0,3 USD/lít.
Việt Nam
Giá xăng hiện tại đang chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây với giá thành 27.870 đồng/lít, trong đó, 38% giá xăng dầu là các loại thuế.
Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu có 4 loại thuế: Thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Theo khoản 3 Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho xăng dầu là 10% tính trên giá bán. Thuế nhập khẩu cũng chiếm 10% đối với mỗi lít xăng, dầu được bán ra.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất cụ thể đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7% trên giá nhập tại cảng. Ngoài ra, xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut đều là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, với mức thuế từ 1.000 VND/lít đến 4.000 VND/lít.