Nhật Bản: Không dùng điện vẫn phải trả phí
Tại Nhật Bản, điện được cung cấp bởi Công ty Năng lượng điện Tokyo (TEPCO). Giá điện sinh hoạt tại nước này cũng được áp dụng tương tự cách tính bậc thang ở Việt Nam với một công thức chung:
Giá điện = Giá cơ bản + Giá cho lượng điện sử dụng (tính theo bậc thang) + Thuế năng lượng tái tạo
Phí cơ bản ở Nhật Bản là mức phí cố định phải trả cho dù không dùng. Khoản phí này thường phụ thuộc vào hợp đồng giữa người sử dụng và công ty. Dưới đây là một ví dụ về phí cơ bản của TEPCO.
Theo thông tin trên website của Công ty Năng lượng điện Tokyo (TEPCO), giá điện sinh hoạt cũng áp dụng cách tính bậc thang tương tự Việt Nam.
Với những hộ gia đình được phân loại tiêu thụ dưới 120kWh/tháng sẽ tính phí 19,88 Yen/kWh.
Với những hộ sử dụng trên 120kWh/tháng và dưới 300kWh/tháng sẽ tính phí 19,88 Yen/kWh với 120kWh đầu và 26,48 Yen/kWh với số điện sử dụng còn lại.
Với những hộ sử dụng trên 300kWh/tháng sẽ tính phí 19,88 Yen/kWh với 120kWh đầu, 26,48 Yen/kWh với 180kWh sau và 30,57 Yen/kWh với số điện sử dụng còn lại.
Thuế năng lượng tái tạo được tính tuỳ theo số lượng điện sử dụng. Năm 2012, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp đặc biệt liên quan đến việc sử dụng năng lượng tái tạo của các nhà cung cấp điện. Thuế này được áp dụng để bù đắp cho chi phí tăng thêm do mức tiêu thụ năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2016, Nhật Bản đã tự do hoá thị trường điện. Do vậy, một số nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường đã đề xuất nhiều ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Ví dụ công ty cung cấp điện Looop Denki không áp dụng phí cơ bản đối với người tiêu dùng.
Tại Úc, người dân được chọn phương án tính giá điện
Tại Úc, giá điện được quản lý bởi các công ty tư nhân, do vậy người dân được tự do chọn đơn vị cung cấp cũng như phương án tính giá.
Các doanh nghiệp ở Úc không sử dụng phương pháp bậc thang để tính giá điện mà lại chọn phương pháp cố định giá. Họ thường thu thập dữ liệu sử dụng điện trên một mẫu khách hàng để lấy cơ sở định giá số điện. Khách hàng sẽ có hai cách chọn: trả theo phí cố định hoặc trả theo từng kWh sử dụng.
Do giá điện ở quốc gia này linh hoạt và thường dao động nên hầu hết người dân đều chọn phương pháp trả giá theo từng kWh sử dụng.
Malaysia: tính giá điện theo giờ cao điểm
Quốc gia này có cách tính giá điện rất đặc biệt, áp thuế với các mức giá khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Chính phủ đề ra chính sách này nhằm mục địch khuyến khích người dân sử dụng điện hiệu quả. Ví dụ: đánh thuế điện vào những giờ cao điểm (từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối). Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng cho khu vực có các nhà máy công nghiệp, nông nghiệp và khai thác, không áp dụng trong khu vực của các hộ dân cư.
Tại Malaysia, giá điện được điều chỉnh phụ thuộc vào vị trí từng khu vực. Nhìn chung, tuy giá điện được niêm yết khác nhau nhưng phương pháp tính đều giống nhau – sử dụng phương pháp bậc thang.
Đây là một ví dụ về bảng giá điện trong khu vực dân cư
Thêm đó, nếu một gia đình sử dụng trên 600kWh số điện trong một tháng, người dân sẽ phải mất thêm 6% thuế dịch vụ.
Cũng như Nhật Bản, Malaysia cũng áp dụng thu thuế năng lượng tái tạo. Mức thuế này chiếm 1,6% tổng số tiền điện trong một tháng.
Thêm vào đó, nếu người dân thanh toán tiền điện muộn, người dân sẽ phải nộp thêm phí là 1% trên tổng số tiền điện trong tháng.