Theo số liệu của Eurekahedge, tổng giá trị rút vốn ròng là khoảng 1 tỷ USD trong 3 tháng, kết thúc vào tháng 9. Đây là mức cao nhất kể từ quý II/2009. Các nhà phân tích đến từ công ty nghiên cứu này cho biết, trong khi các cuộc biểu tình khiến thị trường chìm sâu, thì dòng vốn cũng bị rút ra khỏi các quỹ đầu cơ trên toàn cầu, chứ không chỉ riêng Hồng Kông. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận bết bát của các quỹ này vào năm 2018.
Dẫu vậy, lượng vốn bị rút khỏi Hồng Kông vẫn là khiêm tốn so với tổng tài sản của quỹ phòng hộ trong thành phố này - tăng từ mức 6,9 tỷ USD trong năm nay lên 92 tỷ USD vào tháng 8, phần lớn nhờ thu về khoản lợi nhuận tốt. Các quỹ phòng hộ nhỏ và vừa, quản lý 500 triệu USD tài sản trở xuống, bị rút vốn mạnh nhất, trong khi các quỹ lớn hơn lại chứng kiến dòng vốn chảy vào dương.
Dòng vốn ròng của các quỹ phòng hộ Hồng Kông (Đơn vị: tỷ USD).
Mohammad Hassan, nhà phân tích về quỹ đầu cơ của Eurekahedge tại Singapore, nhận định: "Khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông vẫn chưa gây ra mối đe doạ nghiêm trọng nào. Cơ hội và khả năng tiếp cận mà các nhà quản lý tài sản Hồng Kông đem lại cho thị trường nội địa Trung Quốc và khu vực khó biến mất hoàn toàn trong thời gian ngắn, trừ khi mọi thứ thực sự vượt khỏi tầm kiểm soát."
Dẫu vậy, các cuộc biểu tình cũng ảnh hưởng xấu đến những lĩnh vực khác của hệ thống tài chính Hồng Kông. Hiện tại, ngày càng nhiều quỹ quản lý tài sản gia đình băn khoăn về việc chuyển tài sản ra khỏi thành phố này. Trong khi, một phân tích gần đây của Goldman Sachs cho thấy một số lượng tiền gửi ngân hàng đã được chuyển đến Singapore. Chỉ số MSCI Hong Kong đã giảm 13% kể từ giữa tháng 7, dù đây là giai đoạn chứng khoán toàn cầu không trải qua biến động mạnh.