Vlad Matveev đã thấu hiểu được sự biến động dữ dội của các quỹ phòng hộ tiền mã hóa (crypto) theo cách chẳng mấy vui vẻ.
Người đàn ông 50 tuổi đến từ Moscow đã đầu tư 250.000 USD hồi đầu năm ngoái vào Cryptolab Capital, một quỹ nằm ở California với mục tiêu đạt được lợi nhuận 2 con số từ việc giao dịch tiền mã hóa bất kể thị trường lên hay xuống. Nhưng ông Matveev cho biết khoản đầu tư của ông đã giảm 98,5% giá trị khi quỹ này bị sụp đổ do tác động của virus Corona.
"Tôi chẳng biết điều gì đã xảy ra. Họ nói rằng họ có các chiến lược đa dạng hóa danh mục"- Matveev chia sẻ, ông cũng là một quản lý quỹ nhưng hoạt động ở thị trường khác.
Các nhà đầu tư đã đổ tiền vào những quỹ phòng hộ crypto bởi sự hứa hẹn đem lại mức lợi nhuận cao của tài sản này so với mức lợi nhuận thấp, thậm chí lợi suất âm tới từ tiền mặt hoặc trái phiếu. Trong năm nay, Bitcoin đã nổi lên từ đợt bán tháo hồi tháng 3 như một tài sản có mức sinh lời tốt nhất: tăng 36% từ đầu năm, so với mức giảm 8% của chỉ số S&P500.
Sự khác biệt về giá của cùng loại tài sản trên các sàn giao dịch khác nhau tạo ra cơ hội kiếm tiền từ chênh lệch giá (arbitrage) từ lâu đã biến mất đối thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu, nhưng điều này vẫn tồn tại trên thị trường crypto giúp cho các nhà giao dịch có cơ hội kiếm tiền. Tổng giá trị của thị trường crypto lên tới 265 tỷ USD, theo số liệu của Coinmarketcap.
Tuy nhiên, để đạt được mức lợi nhuận lớn từ crypto, nhà đầu tư phải trải qua quãng đường tương đối gập ghềnh. Việc Bitcoin giảm 39% trong ngày 12 tháng 3 đã khiến rất nhiều quỹ ngạc nhiên, gây ra thua lỗ lớn cho nhiều quỹ và nhiều quỹ đã phải đóng cửa, đặc biệt những quỹ có hệ số rủi ro cao.
Để có được mức lãi lớn các quỹ Crypto thường trải qua những con đường gập ghềnh (Nguồn: Financial Times)
"Để nói giảm nói tránh, thì đó có thể gọi là một cơn tắm máu trên diện rộng"- Edourad Hindi, đối tác tại quỹ đầu cơ Tyr Capital có trụ sở tại Mayfair cho biết. Tyr là một trong những quỹ crypto hoạt động tốt nhất trong năm nay khi có mức tăng 11%.
Hiệu suất trong lĩnh vực quỹ phòng hộ crypto có xu hướng biến động mạnh hơn các quỹ thông thường, những quỹ thường sử dụng chiến lược phổ biến và sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức trong hàng thập kỷ qua đã làm rủi ro chung hạ xuống. Trung bình các quỹ crypto mất khoảng 26.2% trong tháng 3, theo số liệu của HFR, đây là số liệu theo tháng tồi tệ thứ 2 trong lịch sử của các quỹ crypto tính từ năm 2015, và con số này cũng cao hơn 8.4% so với mức lỗ của các quỹ phòng hộ truyền thống khác.
Tuy vậy, mức tăng 19,5% trong tháng trước đã nâng lợi nhuận của quỹ phòng crypto trong năm nay lên 13,4%, HFR cho biết - tốt hơn nhiều so với mức lỗ trung bình 6,7% trong năm nay của ngành công nghiệp quỹ phòng hộ.
Dan Morehead, cựu giám đốc giao dịch vĩ mô tại Tiger Management và người sáng lập Pantera Capital có trụ sở tại California cho biết "tốc độ và độ sâu [của việc bán tháo bitcoin] không phải là những gì chúng ta đang mong đợi." Ông cho biết mình đã làm việc 20 ngày liên tục kể từ khi thị trường rơi vào tình trạng co giật, thậm chí ông ở lại văn phòng tới 2h sáng trong ngày 24 tháng 3/
Pantera hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 500 triệu USD và là một tay chơi lớn trong ngành, quỹ Digital Asset của Pantera đã thua lỗ 33.6% trong tháng 3, tuy nhiên quỹ đã hồi phục và vẫn đang đạt mức lãi 32.5% từ đầu năm tới nay.
Bitcoin phục hồi mạnh sau đợt bán tháo hồi tháng 3 (Nguồn: Financial Times)
Cơn biến động lớn đến từ lượng đòn bẩy khổng lồ của một vài trader, điều này khuếch đại sự giao động vốn đã rất "hoang dã" của crypto. Một số sàn giao dịch cung cấp các hợp đồng phái sinh với mức đòn bẩy lên tới 100 lần và tự động đóng vị thế khi tài sản khách hàng thấp hơn một ngưỡng cố định, điều này càng khiến đà rơi của thị trường trầm trọng thêm.
"Một số sàn cung cấp những mức đòn bẩy thật điên rồ. Bitcoin là một loại tài sản tốt, việc áp dụng bất cứ mức đòn bẩy nào cho Bitcoin đều không cần thiết"- Morehead chia sẻ.
Trước khi sụp đổ, Cryptolab nói với các nhà đầu tư rằng họ đang phát triển các chiến lược giao dịch mới để kiếm lợi nhuận trong những giai đoạn biến động cao và đang hướng tới mục tiêu trở thành cỗ máy hoạt động " 4 mùa trong năm". Công ty từ chối đưa ra bình luận về việc này.
Cambrial Capital có trụ sở tại London cũng đóng cửa quỹ đầu tư tập trung vào crypto sau đợt bán tháo trong tháng 3, hiện tại họ tập trung vào công việc tư vấn của công ty.
Sự hung tợn của thị trường cũng không khiến các tay chơi lớn trong ngành phòng hộ gác crypto sang một bên. Paul Tudor Jones, người sáng lập Tudor Investment Corporation, gần đây cho biết các quỹ của ông có thể sẽ giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin, trong khi quỹ Medallion hàng đầu của Renaissance Technologies, cũng đang để mắt đến crypto.
Những người đặt niềm tin vào sự phục hồi của crypto tin rằng lập luận của họ đã được củng cố bởi những nỗ lực chống lại tác động kinh tế của Covid 19 của các ngân hàng trung ương bằng việc cắt giảm lãi suất và các chương trình mua trái phiếu.
"Crypto, đặc biệt là Bitcoin là một danh mục tốt để chống lại lạm phát và sự mất giá của tiền tệ truyền thống."-nhà đầu tư tỷ phú Mike Novogratz, người sáng lập Galaxy Digital, nói với FT.
Ông Manuel E De Luque Muntaner, người đứng đầu công ty đầu tư Block Asset Management, cho biết, việc tốc độ sản xuất Bitcoin mới đã giảm đi một nửa khiến nhiều người đưa ra dự phóng "điên rồ" cho mức giá của tài sản này. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đó, nhất là việc thiếu một cơ quan trung ương để hỗ trợ đúng lúc trong thời kì khủng hoảng.
"Không có chính phủ hay ngân hàng trung ương nào tới và cứu thị trường. Với crypto, chúng ta chỉ có cách tự lau khô vết thương của mình"- Hindi chia sẻ.