Tại sự kiện Banking Việt Nam sáng nay (30/5), ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc khối nghiên cứu phát triển của Napas cho biết, trên thế giới, các tập đoàn lớn khi phát triển đến quy mô đủ lớn sẽ bắt đầu tích hợp cả sản phẩm tài chính vào hệ sinh thái của mình, chẳng hạn như Alibaba hay Amazon. Đây có thể nói là xu thế tất yếu khi các tập đoàn này muốn tối đa hóa lợi ích trên tập khách hàng rất lớn của mình.
"Xu hướng này đang đặt ra một số thách thức với lĩnh vực tài chính – ngân hàng", ông Minh nhận định.
Theo diễn giả, thách thức lớn nhất là thói quen người dùng. Chúng ta có thể thay đổi hạ tầng công nghệ, như Việt Nam cũng đã phát triển tương đương mặt bằng khu vực và trên thế giới, thế nhưng thói quen của khách hàng vẫn chậm chuyển biến.
Trong khi đó, các tập đoàn lớn của nước ngoài có tiềm lực tài chính để thực hiện chương trình truyền thông rất mạnh. Ở Việt Nam, NHNN cũng đã triển khai nhiều chương trình, bao gồm cả đẩy mạnh truyền thông để thay đổi thói quen người dùng nhưng vẫn còn hạn chế. "Chúng ta cần chương trình tổng thể của Chính phủ, một cách rộng rãi hơn cùng các ban ngành khác, hoặc có chính sách tài khóa khuyến khích không dùng tiền mặt", ông Minh đề xuất.
Vị này lấy ví dụ về Grab, khi họ vào Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều chi phí để liên kết với khách hàng và nhờ nguồn lực tài chính mạnh, chịu đầu tư, họ nhanh chóng thay đổi thói quen người dùng. Ông cũng hy vọng ngân hàng và các công ty tài chính có chương trình riêng của mình, cũng như dưới sự hỗ trợ của NHNN để việc thay đổi hành vi của khách hàng trong thanh toán có chuyển biến rõ rệt. Ông Minh nhấn mạnh trong thách thức luôn có cơ hội.
Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện Banking Việt Nam 2019
Ông Nguyễn Quang Minh cũng nhận định, khả năng tiếp cận thanh toán điện tử nói chung của người dân còn hạn chế. Tỷ lệ dân số được tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức đầu đó mới chỉ ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và tập trung ở các tỉnh thành phố lớn, chưa chú trọng ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp lĩnh vực tài chính ngân hàng giải quyết tốt hơn vấn đề này. Dù vậy, ông nhấn mạnh cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành liên quan, một mình NHNN sẽ không thể làm nhanh được.
"Ngoài ra, với tốc độ phát triển của công nghệ, chúng ta thấy hạ tầng, chính sách và pháp lý đâu đó còn bị trễ so với nhu cầu phát triển của thị trường. Đây là thách thức lớn với các cơ quan quản lý làm sao tạo không gian phát triển năng động cho các trung gian thanh toán nhưng vẫn có thể quản lý, kiểm soát", ông nói.
Trong vấn đề cạnh tranh với các tập đoàn lớn tham gia vào lĩnh vực thanh toán ở Việt Nam, ông Minh nhận định hầu hết ngân hàng và các trung gian thanh toán đều đã tuân thủ tốt quy định. Tuy nhiên, một số tập đoàn lớn của nước ngoài khi vào Việt Nam với những bước đi trước đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng.
"Có những tập đoàn nước ngoài hoạt động xuyên biên giới, đến Việt Nam nhưng không theo quản lý và quy định của Việt Nam trong khi các ngân hàng và TGTT trong nước phải tuân thủ chặt chẽ", ông nói. Điều này cũng đặt ra thách thức cho các cơ quan quản lý giải quyết vấn đề này.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam, Phó Chủ tịch CLB Fintech Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm trên.
"Mặc dù chúng ta đã tham gia WTO, chúng ta bắt buộc phải mở cửa và sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi. Nhưng nếu không có sự bảo hộ một cách chính đáng, hay có những biện pháp đưa ra các quy định kịp thời thì sẽ tạo ra điểm bất lợi cho những "người chơi" trong nước", bà nói.
Đồng thời, vị chuyên gia này cho rằng cần sớm có cơ chế chính sách về khung pháp lý thử nghiệm, làm thế nào để đảm bảo được quyền lợi của người dân, người sử dụng tài khoản ngân hàng cũng như thúc đẩy được việc giao dịch phát triển hơn.
"Bản thân NHNN cũng có những cái khó, bởi nếu ngày mai có vấn đề gì xảy ra, người dân bị mất tiền thì áp lực lên cơ quan quản lý là rất lớn. Nhưng đồng thời nếu không có các cơ chế chính sách phát triển thì cũng dẫn đến tụt hậu và để cho các công ty nước ngoài khác tràn vào và chiếm lĩnh thị phần mà bản thân chúng ta không tự bảo vệ được", bà Dương chia sẻ.