Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước thực hiện, trong 6 tháng đầu năm, tiêu chuẩn tín dụng có xu hướng nới lỏng hơn đối với nhóm khách hàng cá nhân và các lĩnh vực ưu tiên. Mặt khác, các chuẩn mực cho vay lại thắt chặt nhẹ đối với các các lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến giữ nguyên hoặc có xu hướng nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn cho vay tổng thể, dự kiến áp dụng đối với tất cả các nhóm khách hàng. Trong đó tập trung nới lỏng hơn đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Các tổ chức tín dụng cũng nhận định rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2021, đối với hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán. Nhu cầu vay vốn của lĩnh vực này được nhận định giảm nhẹ.
Đồng thời, các tổ chức này cũng dự kiến giảm bớt thắt chặt đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh du lịch, chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Riêng lĩnh vực bất động sản, các tiêu chuẩn tín dụng vẫn được dự kiến sẽ giữ nguyên hoặc có thể thắt chặt hơn. Tuy nhiên, các điều kiện và điều khoản cho vay mua bất động sản để ở của khách hàng cá nhân vẫn tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng như 6 tháng đầu năm.
Về nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay có cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2021 và cùng kỳ các năm 2020-2021, song con số này vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước dịch bệnh Covid-19. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực.
Tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định đã đáp ứng 100% nhu cầu vay của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức 42,9%, cao hơn so với kỳ trước 2,9 điểm %. Đặc biệt 16 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết đã đáp ứng nhu cầu vay vốn ở mức độ cao (trên 75%) trong 6 tháng đầu năm 2022.
Về nhu cầu tín dụng của cả năm 2022, hoạt động cho vay để phục vụ đời sống và tiêu dùng nhận được nhiều dự báo nhu cầu sẽ tăng nhất, tiếp theo là nhu cầu về vay thương mại, dịch vụ và vay phát triển công nghiệp, xây dựng. Ở chiều ngược lại, nhu cầu tín dụng phát triển nông, lâm, thủy sản nhận được ít dự báo tăng trưởng nhất.
Chi tiết hơn, các lĩnh vực đầu tư vận tải kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở và công nghiệp chế biến chế tạo là 4 lĩnh vực có số lượng tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu vay vốn tăng nhiều nhất trong năm 2022.
3 lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống được các tổ chức tín dụng dự báo sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 cũng như cả năm 2022 và năm 2023
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước