Năm 2020 đang chứng kiến sự "lộ diện" của con trai các đại gia bầu Hiển, Trần Đình Long, Dũng Gami... đi cùng với những động thái mạnh tay trên thị trường chứng khoán.
Thị trường tài chính Việt Nam đã quá quen thuộc với tên tuổi của những "đại gia" như ông Đỗ Quang Hiển (thường được gọi là bầu Hiển) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T kiêm Chủ tịch Ngân hàng SHB; ông Trần Đình Long (một thời được gọi là bầu Long) – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, người từng lọt vào danh sách tỷ phú đô la của Forbes; hay ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc của ngân hàng VPBank, ông Nguyễn Tiến Dũng (thường được gọi là Dũng Gami) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc dân NCB…
Tuy nhiên, năm 2020 đang chứng kiến sự "lộ diện" của con trai các đại gia này đi cùng với những động thái mạnh tay trên thị trường chứng khoán.
Gây sốt nhất có lẽ là Đỗ Vinh Quang – con trai thứ 2 của bầu Hiển, sinh năm 1995.
Trong khoảng thời gian từ 15/1 đến 3/2/2020, ông Đỗ Vinh Quang mua vào 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Trong khoảng thời gian đó, thị giá cổ phiếu SHB dao động quanh mức 7.500 đồng/cp (trước điều chỉnh), số tiền mà ông Quang chi ra khoảng 270 tỷ đồng.
Ngày hoàn tất giao dịch của ông Đỗ Vinh Quang cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền (4/2) nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20,9% và chào bán ưu đãi tỷ lệ 4:1 với giá bằng mệnh giá.
Từ mức giá 7.500 đồng "bèo bọt", sau khi ông Quang mua vào, SHB đã tăng bất chấp sự lao dốc của thị trường chung. Liên tục từ cuối tháng 2, cổ phiếu này tăng một mạch lên gần 18.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm ông Đỗ Vinh Quang hoàn tất mua vào, SHB đã tăng tăng 170% (tính giá giá điều chỉnh). So với đầu năm thì cổ phiếu này tăng tới 230%.
Điều đó tương đương với việc lượng cổ phiếu mà thiếu gia sinh năm 1995 đang nắm giữ - bao gồm cả số cổ trả cổ tức – có trị giá 770 tỷ đồng, tăng 500 tỷ so với thời điểm mua. Cho dù trong thời gian 1 tháng nay, cổ phiếu SHB giảm giá đi xuống, và đã giảm sàn trong phiên giao dịch gần nhất (15/05) cũng như trong sáng ngày 18/5, thì thành quả đầu tư của Đỗ Vinh Quang cũng vẫn rất "ngọt".
Mới đây, ông Đỗ Vinh Quang đã được bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Trọng Chiến làm Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC), trở thành vị Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Con trai ông Trần Đình Long là ông Trần Vũ Minh cũng cho thấy sự "mát tay" trong đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát. Giữa tháng 3, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán hàng triệu cổ phiếu Hòa Phát, ông Trần Vũ Minh đã mua vào 20 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, giá cổ phiếu tiếp tục giảm và Trần Vũ Minh lại tiếp tục mua vào 20 triệu cổ phiếu, nâng số lượng nắm giữ lên 40 triệu cổ phiếu. Trong chưa đầy 2 tháng, ông Trần Vũ Minh đã mua vào 40 triệu cổ phiếu Hòa Phát với số tiền chi ra trên 700 tỷ đồng.
Và với kết quả kinh doanh khả quan bất ngờ trong quý 1, giá cổ phiếu Hòa Phát đã đảo chiều tăng điểm mạnh mẽ, mang lại khoản lãi hơn 140 tỷ đồng cho con trai ông Trần Đình Long.
Ông Minh hiện đang là Giám đốc công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong.
Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Nguyễn Đức Giang - con trai ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc ngân hàng.
Theo đó, ông Giang đã mua được 10 triệu cổ phiếu trong tổng đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu. Ước tính, ông Giang đã bỏ ra 190 tỷ đến 240 tỷ đồng để thực hiện giao dịch. Trước đó, ông Nguyễn Đức Giang chưa sở hữu cổ phiếu nào của VPBank.
Đóng cửa phiên giao dịch 15/5, giá cổ phiếu VPB đạt 23.850 đồng/cp. Cổ phiếu VPB bắt đầu bật tăng mạnh kể từ đầu tháng 4 đến nay sau thông tin về kế hoạch mua 122 triệu cổ phiếu quỹ và giảm tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank từ mức 22,77% xuống 15%.
Trước đó, vào cuối tháng 2, một thiếu gia khác trong lĩnh vực ngân hàng là ông Nguyễn Trần Trung Sơn, con trai ông Nguyễn Tiến Dũng (Dũng Gami), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân NCB.
Ông Sơn đã mua vào 8,01 triệu cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân, nâng lượng sở hữu cổ phiếu NVB lên 9,16 triệu đơn vị tương ứng tỷ lệ 2,25%. Giao dịch thực hiện ngày 24 đến 25/2/2020. Việc mua cổ phiếu của ông Sơn được thực hiện ngay sau khi kế hoạch tăng vốn của NCB được thông qua.
Với giá thỏa thuận bình quân 8.217 đồng/cổ phiếu, ông Trung Sơn chi khoảng 66 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên. Hiện tại, giá cổ phiếu NVB vẫn loanh quanh dưới 8.000 đồng/cp.
Ở một phía khác, thiếu gia ngành xây dựng là ông Lê Viết Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, con trai ông Lê Viết Hải – Chủ tịch kiêm TGĐ của Hòa Bình cũng liên tục mua vào cổ phiếu HBC.
Sau khi chỉ mua 930.000 cổ phiếu trong số 5 triệu cổ phiếu đăng ký do chưa đạt được thỏa thuận, ông Hiếu đăng ký mua tiếp 4 triệu cổ phiếu qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 7/5 đến 5/6.
Mặc dù vậy, trước những khó khăn mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho ngành xây dựng, giá cổ phiếu HBC chưa có những biến động tích cực, hiện vẫn giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cp.
(Theo Ictvietnam)