Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã phát hành ấn bản bổ sung Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022. Theo đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay.
Triển vọng này thấp hơn so với mức dự báo tăng trưởng 5,2% của ADB hồi tháng 4 vừa qua cho khu vực. Ngân hàng này cũng nâng dự báo lạm phát trong khu vực, trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu cao hơn.
Đối với Việt Nam, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong báo cáo ADO hồi tháng 4/2022.
Về vấn đề lạm phát, báo cáo cho biết lạm phát ở các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo tăng lên 4,2% trong năm nay, so với mức dự báo trước đây là 3,7%. Tuy nhiên, theo ADB, xét tổng thể, áp lực lạm phát trong toàn khu vực vẫn thấp hơn so với các nơi khác trên thế giới.
Nguồn: ADB
Cũng theo ADB, việc giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu sẽ làm tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát của ADB cho Việt Nam là không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
IMF, trước đó, công bố báo cáo về kinh tế Việt Nam với nhận định rằng, các chính sách thận trọng của Chính phủ trong đại dịch đã duy trì giai đoạn tăng trưởng cao, giá cả ổn định và tỷ lệ nợ công thấp. GDP năm 2022 được dự báo tăng 6% và lạm phát là 3,9%.
Cụ thể, IMF cho rằng, dù lạm phát gần đây tăng tốc, do giá hàng hóa tăng và các gián đoạn về nguồn cung nhưng hiện vẫn khá thấp so với mục tiêu của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, nguồn thực phẩm tương đối ổn định và giá cả vẫn được kiểm soát.
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam tăng khá thấp. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Về cơ bản, IMF vẫn khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng trước các rủi ro về lạm phát.
Ngân hàng HSBC
Ngân hàng HSBC trong báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2022 cũng cập nhật lại các dự báo chính đối với thị trường Việt Nam. Theo báo cáo này, HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây đồng thời ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7%.
Còn về lạm phát, ngân hàng này cho rằng lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý 4/2022 đến quý 2/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý 3/2022 và tăng thêm 50 điểm cơ bản mỗi quý cho đến quý 3/2023.
Theo HSBC, ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đang ngày càng rõ ràng hơn. Một mặt, giá cả hàng hóa leo thang đã dẫn đến thâm hụt thương mại trong quý 2 có thể khiến tình hình tài khoản vãng lai vốn không được khả quan sẽ còn trầm trọng hơn.
Mặt khác, dù cho tiêu dùng gia đình đã phục hồi vững chắc, giá dầu cao sẽ có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi nhiều, làm giảm tốc độ hồi phục thời gian qua. Thực tế, áp lực giá cả đã bắt đầu thể hiện, mặc dù vẫn ở mức độ có thể kiểm soát được so với các quốc gia khác trong khu vực.
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)
Trong báo cáo mới nhất của mình, AMRO đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,3% so với mức 6,5% vào tháng 4/2022. Đây cũng là mức dự báo cao thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Philippines.
Nguồn: AMRO
Về lạm phát, AMRO dự báo Việt Nam sẽ duy trì lạm phát ở mức dưới 4%. Cụ thể, năm 2022, lạm phát của Việt Nam dự báo ở mức 3,5%, thấp thứ 4 trong khu vực và năm 2023 sẽ ở mức 3,3%.