Mức độ của nợ xấu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 15/10.
Theo thông tin tại hội nghị, đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt 11,81 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018.
Cũng tính đến cuối tháng 8/2019, cho vay thị trường 1 (dân cư và tổ chức) của hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt 7,61 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,96 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2018.
Dữ liệu trên cho thấy tốc độ tăng huy động vốn trên thị trường 1 của hệ thống thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng (tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đang ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây).
Đến cuối tháng 8/2019, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống là 11,9% (mức tối thiểu theo quy định là 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản bình quân đạt 16,9%. Theo Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các tổ chức tín dụng đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật.
Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 592.500 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2018 và tăng 15,8% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu đạt 857.800 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2018, tăng 30% so với cuối năm 2017.
Đáng chú ý, hội nghị trên cũng cập nhật về tính hình nợ xấu trong hệ thống thống, cùng mức độ của nợ tiềm ẩn có khả năng trở thành nợ xấu.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì ở mức dưới 2% (1,98%). Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu tới hết tháng 8/2019 là 4,84%, giảm mạnh so với mức 7,36% năm 2017 và 5,85% năm 2018.
Với tỷ lệ 4,84%, quy mô nợ cần xử lý nói trên đến cuối tháng 8/2019 vào khoảng 368,3 nghìn tỷ đồng.