Chưa đầy 4 ngày sau khi Công an tỉnh Khánh Hòa cùng Công an thị xã Ninh Hòa và sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an, điều tra làm rõ vụ dùng súng tự chế cướp tiền tỷ tại một ngân hàng trên địa bàn thì chiều 13-9, tại phòng giao dịch của một ngân hàng nằm trên quốc lộ 1, qua huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng xảy ra vụ cướp với thủ đoạn manh động, số tiền bước đầu được xác định khoảng hơn một tỷ đồng...
Những vụ cướp nhằm vào các cơ sở tín dụng này cho thấy tội phạm ngày càng manh động và liều lĩnh. Từ đó, cần các giải pháp để ngăn chặn và phòng ngừa.
Thời gian gần đây, những vụ cướp tại các cơ sở tín dụng như ngân hàng, quỹ tín dụng, kho bạc... có chiều hướng ngày càng manh động, liều lĩnh với số tiền bị chiếm đoạt có xu hướng lớn hơn. Đối tượng tham gia phần lớn là những kẻ có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy đang cần tiền tiêu xài; có sự tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện phạm tội, ra tay trong thời gian ngắn và sử dụng vũ khí nóng làm phương tiện gây án.
Một trong những thông báo phòng ngừa tội phạm cướp giật của Công an quận Hoàng Mai.
Một trong số đó là vụ cướp xảy ra tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vừa được khám phá cách đây không lâu. Trong vụ án này, Trần Hoàng Nhất Hùng (36 tuổi) và Đàm Minh Quang (30 tuổi, cùng trú ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) đều là những đối tượng nghiện ma túy, có tiền án về tội cướp giật tài sản.
Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, bọn chúng quan sát vị trí của các cơ sở tín dụng, chuẩn bị phương tiện gây án là súng tự chế, phân công trách nhiệm cùng thực hiện cũng như thủ đoạn che giấu, tránh sự phát hiện của cơ quan Công an.
Cụ thể, trong vụ án này, các đối tượng thực hiện trót lọt vụ cướp trong thời gian ngắn, lấy đi hơn 3 tỷ đồng. Số tiền này, sau đó được cất giấu ở nhiều địa chỉ khác nhau.
Quá trình khám xét, Ban chuyên án đã thu giữ 5 khẩu súng tự chế còn nguyên vẹn, 1 khẩu súng tự chế đã tháo rời linh kiện, 50 viên đạn sử dụng cho súng thể thao, 8 đôi găng tay màu xanh và 3,7 tỷ đồng cùng một số công cụ, linh kiện vật tư sử dụng để chế tạo súng... điều đó cho thấy sự manh động và liều lĩnh của đối tượng gây án.
Không chỉ cướp tài sản của các ngân hàng, đối tượng gây án còn nhằm vào những khách hàng vừa thực hiện giao dịch tại ngân hàng, kho bạc, quỹ tiết kiệm... Vụ cướp xảy ra ngày 20-6, tại chỗ để xe ôtô của một phòng giao dịch trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một ví dụ. Vào thời điểm xảy ra vụ cướp giật, chị Lê Thị Linh Huyền vừa rút 400 triệu đồng để vào trong một túi nilon màu đen thì bị 2 đối tượng điều khiển xe máy áp sát, cướp giật tài sản.
Liên quan đến vụ cướp giật 400 triệu đồng xảy ra tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), đến thời điểm này, các đơn vị nghiệp vụ của Công an quận phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội vẫn đang tiếp tục truy tìm đối tượng gây án.
Theo đại diện Công an quận Hoàng Mai, trước đó, để phòng ngừa loại tội phạm này, cùng với việc thường xuyên phát đi các thông báo về việc nâng cao cảnh giác, đề phòng cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn, căn cứ tình hình tội phạm trong những năm vừa qua, Công an quận Hoàng Mai đã giao việc cho đội trưởng đội cảnh sát hình sự, trưởng Công an các phường thuộc Công an quận Hoàng Mai phổ biến, thông báo phòng ngừa đến các ngân hàng, kho bạc, quỹ tiết kiệm, cửa hàng mua bán, sửa chữa vàng bạc, đá quý, thu đổi ngoại tệ; tăng cường phổ biến, hướng dẫn các phương án xử lý tình huống cướp theo nội dung Kế hoạch 72 - Công an TP Hà Nội đối với từng cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, Đội Cảnh sát hình sự đã phân công trinh sát địa bàn trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở và thực hiện đối với địa bàn được giao quản lý. Vậy nhưng, một phần do người dân và doanh nghiệp vẫn còn lơ là, thiếu cảnh giác...
Một số cơ sở kinh doanh do không chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, dẫn đến vi phạm hoặc tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật lợi dụng làm nơi tiêu thụ tài sản phạm pháp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương nói chung và bản thân hoạt động kinh doanh của cơ sở nói riêng.
Để tăng cường công tác phòng ngừa, Thiếu tá Đoàn Quang Thắng, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàng Mai cho biết:
Để đảm bảo an toàn tại ngân hàng thì cần phải lắp đặt hệ thống camera; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho các nhân viên bảo vệ; quy định khách đến giao dịch phải bỏ mũ, kính và khẩu trang.
Trong trường hợp sau khi nhận tiền với số lượng lớn, khách hàng không nên đi bằng xe máy mà nên sử dụng phượng tiện bằng ôtô. Trường hợp sử dụng phương tiện xe máy, khách hàng cần bố trí ít nhất có 1 người khác đi cùng.
Các cơ sở kinh doanh cần tăng cường lực lượng bảo vệ, sử dụng xe ôtô chuyên dụng khi vận chuyển tiền, phổ biến và yêu cầu lực lượng bảo vệ phải đề cao cảnh giác, chú ý quan sát, nếu phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn đến trụ sở kinh doanh hoặc tụ tập bên ngoài để theo dõi khách hàng, cần báo ngay cho cơ quan Công an để kiểm tra, xử lý.