Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2019, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước theo giá hiện hành đạt khoảng 4.295 nghìn đồng, tăng 38,6% so với năm 2016 tương ứng với tăng 421 nghìn đồng, tăng bình quân 11,5%/năm thời kỳ 2016- 2019, trong đó khu vực thành thị đạt 6.022 nghìn đồng, tăng 32,3% và tăng 9,8%; khu vực nông thôn đạt 3.399 nghìn đồng, tăng 40,3% và tăng 12%.
Thu nhập bình quân đầu người tăng nhưng không đồng đều, sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập vẫn còn tồn tại rõ ràng và dễ nhận thấy.
Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị là 4,6 triệu đồng/người/tháng trong khi khu vực nông thôn là 2,4 triệu đồng/người/tháng. Những vùng có thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có mức thu nhập cao nhất nhì cả nước, đặc biệt Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân đầu người một tháng 4,6 triệu đồng/người/tháng năm 2016 và tăng lên tới 5,8 triệu đồng/người/tháng năm 2018 và 6,3 triệu đồng/người/tháng năm 2019.
Trong khi đó, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là vùng thấp nhất trong cả nước với gần 2 triệu đồng/người/tháng năm 2016 và 2,5 triệu đồng/người/tháng năm 2018, tăng lên 2,6 triệu đồng/người/tháng năm 2019.
Dễ dàng nhất để thấy sự cách biệt về thu nhập đó là so sánh giữa 20% dân số có thu nhập thấp nhất và 20% dân số có thu nhập cao nhất, năm 2019 có 20% dân số Việt Nam có mức thu nhập thấp nhất là 988 nghìn đồng/người/tháng so với 20% hộ thu nhập cao nhất là 10,1 triệu đồng/người/tháng. Khoảng cách giữa hai nhóm này lên tới 10,2 lần, đây chính là sự cách biệt giữa hai tầng lớp người khá giả và người nghèo trong xã hội Việt Nam.
Năm 2019, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 10.103 nghìn đồng, tăng 30,3% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 6,8%; nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất đạt 988 nghìn đồng, tăng 24,9% và tăng 5,7%.
Chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất so với nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất có xu hướng tăng lên trong những năm qua nhưng thay đổi không nhiều, từ 9,7 lần năm 2014 lên 9,8 lần năm 2016, 10 lần năm 2018 và 10,2 lần năm 2019.
Hệ số bất bình đẳng (Gini) năm 2019 là 0,423 điểm, so với năm 2016 và 2018 thì hệ số bất bình đẳng có chiều hướng giảm từ 0,431 điểm năm 2016 xuống 0,425 điểm 2018, tuy nhiên mức độ giảm không đáng kể. Năm 2019, sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở nông thôn cao hơn so với thành thị (0,415 điểm so với 0,373 điểm), điều này thể hiện không phải ở những nơi có thu nhập bình quân đầu người cao thì ở đó sự bất bình đẳng cao.
Điều này càng được khẳng định khi đánh giá hệ số Gini theo vùng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên có hệ số bất bình đẳng cao hơn hẳn các vùng khác (0,438 điểm và 0,443 điểm). Vùng có hệ số bất bình đẳng thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với Gini năm 2019 là 0,375 điểm.
Tốc độ tăng thu nhập thực tế (thu nhập sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) của thời kỳ 2016-2020 là 15,1%, cao hơn gần 1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của giai đoạn 2014-2016.