Dự thảo luật Cán bộ công chức, luật Viên chức sửa đổi là một trong những nội dung quan trọng được QH thảo luận tại kỳ họp thứ 7.
VietNamNet trao đổi với ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức - Bộ Nội vụ, về những nội dung mới, nổi bật của dự luật này.
Ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức - Bộ Nội vụ. Ảnh: Trần Thường |
Cân nhắc hệ quả
Một điểm mới trong dự thảo luật lần này là quy định xử lý kỷ luật đối với cả cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ việc, trong đó có việc xóa tư cách chức vụ đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Đây cũng là một trong những nội dung còn nhiều tranh cãi. Ông có thể phân tích rõ hơn?
Phải xác định người đã nghỉ hưu không còn là cán bộ công chức nữa. Vì vậy dự luật quy định vấn đề này tại khoản 3 điều 84, áp dụng đối với những "đối tượng khác".
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cán bộ đã nghỉ hưu vi phạm có thể bị xử lý về hình sự, hành chính, xử lý kỷ luật. Về việc xử lý kỷ luật, khoản 3 điều 84 quy định nguyên tắc chung, theo đó, mức nặng nhất là xoá tư cách tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này chỉ mang tính chính trị chứ không có tính răn đe?
Đúng là việc "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm" mang ý nghĩa về danh dự mà điều này thì người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng rất coi trọng.
Đương nhiên, bên cạnh việc xử lý kỷ luật về mặt hành chính mà những người đó có vi phạm tới mức phải xử lý hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về mặt pháp lý, ban soạn thảo cũng đã có nghiên cứu. Chúng tôi đã đặt ra hàng loạt vấn đề, chẳng hạn, xoá tư cách ở một nhiệm kỳ nhưng người đó đảm nhiệm cương vị ở 3 nhiệm kỳ thì sao? Hay những quyết định, hay điều ước quốc tế người đó ký với tư cách người đứng đầu thì đặt ra thế nào?
Vì phạm vi, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên với từng vị trí sẽ có hướng dẫn cụ thể ở văn bản dưới luật.
Quy định này có ngăn ngừa tình trạng "hạ cánh an toàn" hay "những chuyến tàu vét lúc hoàng hôn nhiệm kỳ" như một số trường hợp đã xảy ra?
Chủ trương của Đảng rất rõ là phải xử lý. Thậm chí cả về mặt dư luận thì việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ đã về hưu là cần thiết và rõ ràng có những tác động về tâm lý đối với những người hiện đang là lãnh đạo, quản lý, đòi hỏi khi ra quyết định cần cân nhắc, cẩn trọng hơn nữa.
Chúng ta phải đặt trong bối cảnh văn hoá, điều kiện, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải xử lý nghiêm các các bộ nghỉ hưu có sai phạm trong quá trình đảm nhiệm chức vụ.
Ở một góc độ nào đó, quy định này có mặt tích cực, làm sao để những người lãnh đạo, đặc biệt là những người giữ những vị trí quan trọng có thẩm quyền quyết định, khi làm gì họ sẽ cân nhắc, suy nghĩ nhiều hơn đến hệ quả.
Công chức "có vào, có ra"
Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng, tuyển dụng cán bộ công chức lâu nay hay có tình trạng "sống lâu lên lão làng, biên chế suốt đời, có vào không có ra". Là người trực tiếp tham gia soạn thảo dự thảo luật Cán bộ công chức; luật Viên chức sửa đổi, ông chia sẻ một số quy định đổi mới có thể khắc phục tình trạng này?
Mọi người hay nhắc tới khái niệm "công chức suốt đời", "viên chức suốt đời" và thực tế có tình trạng này.
Nói về mặt quy định của luật pháp thì luật Cán bộ công chức hiện hành có đề cập đến việc bảo đảm yếu tố cạnh tranh về năng lực, trình độ, phấn đấu, có quy định phân loại, đánh giá, quy định. Đó là quy định, cán bộ, công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ bị buộc thôi việc.
Cho nên khái niệm công chức, viên chức suốt đời là nói nôm na cho dễ hiểu, còn về bản chất, công chức "có vào, có ra". Tuy nhiên thực tế mình chưa vận hành được cơ chế ấy, vì công tác đánh giá theo Nghị quyết TƯ cũng đã chỉ rõ là một khâu yếu, còn hình thức, không đúng người đúng việc.
Vì sao mặc dù đã có quy định nhưng chưa triển khai được, ở đây có 2 mấu chốt là quy định của pháp luật chưa cụ thể, chưa định lượng. Muốn đánh giá được thì gốc của vấn đề là xác định vị trí việc làm và các công việc cụ thể.
Luật lần này đã thể chế rõ quan điểm đánh giá phải xuyên suốt, liên tục, đa chiều, thông qua công việc và bằng sản phẩm cụ thể.
Mấu chốt thứ 2 của công tác đánh giá chính là việc thực hiện. Luật không thể quy định đối với tất cả các trường hợp, ở mọi cơ quan bộ, ngành, địa phương vì mỗi nơi có một đặc thù khác nhau, nghề nghiệp khác nhau.
Vì vậy dự luật đã giao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng lao động xây dựng Quy chế để đánh giá cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức mình.
Hiện nay Ban Tổ chức TƯ chủ trì xây dựng đề án vị trí việc làm. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp triển khai việc này khá quyết liệt.
"Vì việc mà sắp người" chứ không "vì người sắp việc"
Liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, thời gian qua nổi lên câu "bổ nhiệm người nhà, người thân" hay tình trạng hàng loạt tỉnh vi phạm trong việc đặc cách tuyển dụng công chức mà Thanh tra Bộ Nội vụ nhiều lần kết luận. Luật Cán bộ công chức sửa đổi có đưa ra quy định nào để ngăn chặn tình trạng này?
Đúng là thực tế có hiện tượng như vậy nhưng cũng phải đánh giá một cách khách quan nếu con cán bộ lãnh đạo thực sự có trình độ, năng lực, phẩm chất và được tuyển chọn công khai, minh bạch, bình đẳng đồng thời có kết quả làm việc tốt cũng cần phải được ghi nhận.
Cũng phải nói rằng, công tác cán bộ, đặc biệt là tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm mặc dù có luật, có các quy định của Đảng nhưng quan trọng nhất vẫn do người thực hiện.
Tôi lấy thí dụ như luật quy định về hình thức thi tuyển phỏng vấn. Đây là hình thức rất văn minh, có thể qua tiếp xúc trực tiếp mới đánh giá được năng lực thực chất, khả năng ứng xử, giao tiếp, về ngoại hình, về con người. Nhưng nếu người tuyển dụng cố tình không công tâm thì không thể nào điều chỉnh trong luật được.
Người thực thi không công tâm thì không thể tuyển chọn được nhân sự tốt, không bổ nhiệm được người xứng đáng vào vị trí. Vấn đề nào cũng có hai mặt, người làm công tác cán bộ phải thật công tâm, "vì việc mà sắp người" chứ không bao giờ "vì người sắp việc".