Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, ngành công nghiệp hỗ trợ đang được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đang dần được cải thiện.
Trong đó, thị trường xuất khẩu cho các ngành công nghiệp Việt Nam chủ yếu là các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật. Các doanh nghiệp trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện như linh kiện, phụ tùng nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị.
Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.
Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Do đó, ngành công nghiệp hỗ trợ đã đần phục hồi và đóng góp vào phát triển công nghiệp nội địa.
Đã có những doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; Linh kiện xe đạp, xe máy; Linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; Dây cáp điện; Linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; Săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, có thể thấy được thành công rõ nét của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhìn từ trường hợp Samsung.
Theo Cục Công nghiệp, năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà.
Nhưng chỉ một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó.
Thời gian ngắn sau đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Đã có 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài của Samsung. Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.
Ngoài Samsung, đến năm 2020, Toyota Việt Nam có tổng cộng 33 nhà cung cấp thì đã có 5 nhà cung cấp Việt Nam (chiếm 15,15%).
Theo khảo sát của Qima với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu trong tháng 3/2021 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng. 25% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021, riêng với doanh nghiệp ở Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 43%.