Tết là dịp để những người thân trong gia đình quây quần, tụ họp, ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện một năm vừa qua. Chắc hẳn, chính vào dịp này, rất nhiều người con xa quê sẽ luôn ao ước được ở gần bên gia đình.
Huỳnh Thanh Dư, một tu nghiệp sinh nông nghiệp tại Israel, đang cùng bạn bè đón cái Tết xa nhà đầu tiên của mình ở một đất nước Tây Á cách Việt Nam 20 giờ bay. Dư cũng rất nhớ nhà dù đã cùng bạn bè gói bánh tét bánh chưng, nấu những món ăn cổ truyền ngày Tết. Nhưng cậu bạn 24 tuổi cho biết, đây cũng là một trải nghiệm mà có lẽ cậu sẽ không bao giờ quên, không chỉ bởi nỗi nhớ nhà và cái Tết xa gia đình mà còn là bài học về lao động và tiền bạc mà cậu được chứng kiến tận mắt từ dân tộc Do Thái thông minh nhất thế giới trong thời gian được học tập Israel.
''Tết Nguyên Đán hay đơn giản gọi là Tết là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt, có nhiều phong tục truyền thống diễn ra trong dịp này, kéo dài từ 23 tháng Chạp đến hết mùng (mùng 10), bây giờ thì đã ngắn lại, độ khoảng mùng 6, 7 là mọi người đã trở lại công việc của mình rồi.
Ngày mùng 1 đầu năm mới, sắc xuân ngập khắp cả xóm, miền Tây quê tôi, mai vàng trước sân, khí trời se lạnh, thật đúng điệu cái không khí Tết. Ngày này, con cháu trong gia đình sẽ sum họp lại với nhau để mừng tuổi ông bà mình, nhận lì xì từ người lớn. Rồi mọi người kể nhau nghe những điều vui vẻ, những tràng cười kéo dài không ngớt, nhưng có lẽ những câu chuyện, những bài học mà ông bà dạy lại cho con cháu mới thấm thía cái vị Tết đoàn viên.
Năm 24 tuổi, cái Tết xa quê đầu tiên trong đời. Đi là để trưởng thành, để gom nhặt những điều hay ho trên đời, để rồi sống một cuộc đời không hoài phí. Ngày gần Tết, đứa nào bên Israel này cũng mong đợi Tết hết, chính tôi cũng cảm thấy có điều là lạ hơn so với 6 tháng qua, thì ra là NHỚ NHÀ. Cái lạnh đôi lúc tới thấu xương, thở nhẹ mà khói bay lơ đãng như phim Hàn Quốc, khí trời như vậy chỉ khiến lòng tủi tủi.
Nhưng có lẽ nhìn lại thì đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời của đứa mới tập trưởng thành, của thằng muốn lao ra bầu trời rộng lớn. Rồi 10 năm, 20 năm, 30 năm... Một ngày Tết nọ, chính mình tóc đã phai màu, nói năng chậm rãi, nếp nhăn trên trán nó hiện lên mấy làn đất ở nông trại hành củ, khuôn mặt vẫn đầy nét thanh tú và lịch lãm, ngồi từ từ kể cho con cháu nghe về lần ra khơi đầu tiên trong đời, những bài học nơi Đất Thánh - Holy Land - Israel.
Chân dung nhân vật.
Tôi sẽ kể cho con cháu mình nghe những bài học về lao động và tiền bạc mà cha mẹ Do Thái đã dạy con họ như thế nào, để biết họ giỏi lắm và cũng giàu lắm.
1. Ngày tôi mới qua Israel, thời tiết lúc đó vào tháng 8 là nóng nhất, dù là làm việc trong nhà lưới nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận là lên đến 40-42 độ. Đi làm cứ ngỡ như vào ''nhà xông hơi'', ấy thế mà giai đoạn trồng ớt, con trai nhỏ của ông chủ nông trại vẫn quần đùi áo phông, không bịt kín mặt như sinh viên hay công nhân Thái, cặm cùi chậm rãi trồng từng cây ớt con.
Nó làm không nhanh, nhưng vẫn hoàn thành mấy hàng ớt, nước chảy ròng ròng từ khuôn mặt hồng hào, chắc nó khát nước lắm. Những sinh viên như chúng tôi, 15 phút không uống nước là không chịu được. Ôi cái thời tiết ấy, vừa khô vừa khát!
Ông chủ lấy đại cái thùng nước của nhóm sinh viên cho con trai uống. Nó được làm như thế tận mấy ngày, được trả lương đàng hoàng. Ở nhiều nông trại khác cũng thế, con của ông chủ vẫn đi làm với công nhân là chuyện bình thường, sáng leo lên máy kéo, chiều về. Mấy đứa nhỏ độ 15-16 tuổi thôi, từ chuyện làm ngoài nông trại đến chuyện chuyển đồ đạc trong kho, đứa nào cũng được dạy để LAO ĐỘNG.
Có đứa sau khi đi quân đội về thì nối nghiệp làm nông dân, đứa thì làm điều mình thích, đi bất kì đâu, ở bất cứ chốn nào. Những thành phố lớn hay các trạm dừng trên đường quốc lộ bạn sẽ thấy người trẻ họ đang làm phục vụ hay đứng bán hàng, họ sẵn sàng đảm nhiệm một công việc như thế, không ngần ngại.
LAO ĐỘNG là một phần trong cuộc sống của giới trẻ, họ kiếm được tiền từ rất sớm từ chính khả năng của bản thân.
2. Sau 3 tháng từ lúc tháo plastic sau khi xử lý đất, trồng ớt, đóng cọc, văng dây các kiểu thì ớt tầng đầu tiên đã chín. Hái từng trái ớt chín đỏ tươi hay vàng bóng mà lòng tôi vui vui, thành quả đây sao, ớt nó ngọt làm sao, nó ngon làm sao...
Đến giai đoạn làm trong nhà đóng gói, chúng tôi thường phải tăng ca thêm 4-5 tiếng tùy vào lượng ớt hái hôm đó. Lịch trình một ngày bình thường: sáng hái xong, đóng gói từ chiều tới khuya, và thời tiết thường rơi vào mùa đông lạnh. Đặc biệt, nhà đóng gói thường do các "mỹ nhân" quản lý, là con gái các ông chủ, xinh và dễ thương lắm.
Dù ở độ tuổi đôi mươi xuân thì, nhưng khả năng làm việc không hề bất cẩn, các cô ấy bước đầu đều được ông chủ hướng dẫn, vừa làm vừa học việc. Khoảng 1 tuần sau đó, ông chủ đứng ra giám sát, để các cô tự làm, nếu máy móc trục trặc thì liên hệ. Có lẽ họ đã đủ tin tưởng giao cả một nhà đóng gói ''to đùng'' cho 3 cô con gái.
Hàng chủ yếu xuất khẩu đi Âu, đi Nga, đi Mỹ. Đầu buổi, ông chủ chỉ vào xem sơ sơ rồi lại quay trở lại công việc giám sát của họ ngay lập tức. Nhưng công việc đâu phải lúc nào cũng dễ dàng khi quản lý nhiều thứ như thế, điều phối nhân sự các khâu, chỉnh hệ thống dây chuyền, xuất nhập kho-container... Có những ngày máy móc "không nghe lời", cả một dây chuyền cứng ngắt, ớt chưa thành thành phẩm.
Đôi lúc, tôi nhìn ánh mắt mấy cô gái ấy thẫn thờ đến bất lực, dù mấy anh Ả Rập làm lâu năm ở đó vẫn đang cố gắng hỗ trợ. Dám giao việc và cũng dám tin tưởng khả năng người nhận, dù có sai sót thế này thế kia, liên tục một tuần 6 ngày như thế, khuôn mặt ai cũng đầy mệt mỏi, bớt đi vẻ tươi tắn vốn có, nhưng mấy cô gái ấy vẫn hoàn thành công việc hiệu quả, đầy hăng say, cuối tháng lĩnh lương đều đều. Đồng tiền từ chính sức lao động của họ, lương từ chính người thân trong nhà đấy. Họ thật sự là những cô gái tuyệt vời.
3. Nếu những ngày không phải tăng ca, tôi sẽ dành thời gian đi mua sắm, mua đồ ăn các kiểu cho 1 tuần. Shop moshav Ein Yahav rất gần nhà, thuộc loại shop lớn trong các moshav, đầy đủ các món cần để nấu nướng, có 2 shop Thái và 1 shop Israel.
Hôm đó, sau khi shopping xong, tình cờ thấy ngoài cửa ở các góc nhỏ nhỏ có hai đứa bé (một đứa 7 tuổi, đứa kia 8 tuổi) bày rất nhiều thứ trên cái bàn (nào là găng tay, tập viết, bút mực, đồ handmade... tôi nghĩ một số thứ là đồ của chúng, một số là do cha mẹ mua cho), miệng cười chúm chím, mắt nhìn đắm đuối từng người ra vào shop, đôi tay nhỏ nhắn như chào mời khách lại xem hàng.
Các bé chỉ nói được đôi ba từ và giá mặt hàng bằng tiếng Anh thôi. Tôi ngạc nhiên lắm, tò mò lại xem, hỏi giá từng món hàng một, hai đứa nhỏ vẫn kiên nhẫn một cách dễ thương trả lời mình. Thấy hai bé đáng yêu, tôi định mua đôi găng tay giá 10 shekel, mà trong túi tôi lục chỉ còn 8 shekel thôi. Tôi đành hỏi thử: "Anh có 8 shekel thôi, hai em có bán không?". Sau 3 giây, một bé gật đầu lia lịa nói: "Okay".
Lúc đó mình mới chợt nhớ tới cái bài học về cách dạy con quản lý tiền bạc của cha mẹ Do Thái. Họ sẽ sử dụng 5 chiếc lọ, mỗi lọ đều được dán nhãn cẩn thận với 5 tên tương ứng: chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng thuế. Mỗi lần được cha mẹ cho 10 shekel, trẻ sẽ được dạy bỏ vào mỗi lọ từ thiện, tiết kiệm và đóng thuế 1 đồng, 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chi tiêu hàng ngày.
Sau đó, lọ từ thiện để giúp đỡ người khác sẽ được mở vào cuối tuần. Lọ đóng thuế sẽ được mở vào cuối tháng. Lọ tiết kiệm chỉ được mở vào những dịp đặc biệt như khi gia đình gặp khó khăn hoặc có người bị ốm. Lọ đầu tư chỉ được mở khi nó đã đầy. Với những lọ như thế, cha mẹ Do Thái đã dạy cho con mình cách sẻ chia với cộng đồng, cách cân đong đo đếm, cái gì cần mua, cái gì cần tiết kiệm, trao cho con quyền quyết định nên đầu tư vào đâu và chịu trách nhiệm với những thất bại của mình. Chính vì thế, sau này những đứa trẻ này trở thành nhà kinh doanh, nhà tài chính vô cùng giỏi giang.
Thế là mùa đông này tôi đã có thêm đôi găng tay 8 shekel đầy ấm áp.''