Cách mạng công nghiệp 4.0 và tự động hoá là hội tụ của máy móc, nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nhân lực, theo ý kiến của GS. Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Ông Dũng cho rằng cuộc cách mạng này sẽ tạo ra được nhiều việc làm hơn. Tuy nhiên, phải có đủ mạnh dạn để xoá bỏ đi những tư duy cũ, dám chấp nhận cái mới, dù cái mới này trái ngược với những quan niệm hiện tại.
"Đổi mới tư duy và phương thức quản lý phải dựa trên nền tảng công nghệ, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng", ông Dũng cho biết.
Có quan điểm tương tự, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng cách mạng 4.0 chính là việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số – nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định, toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất, thiết kế, tổ chức sản xuất tới phân phối đều được quản lý, quản trị và thực hiện thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của Internet vạn vật.
Trong các nhà máy đó, sẽ vắng bóng các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp. Thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo.
Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, cách mạng 4.0 đã đặt ra một bài toán khó về nhân lực, mà nếu không vượt qua, sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao.
"Không thể sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng đề cập đến việc phải chuyển đổi mô hình đào hướng đến chủ động nắm bắt và đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động.
Cụ thể, phải gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp hay đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung.
Công tác dự báo nhu cầu thị trường cũng trở thành nội dung được đặc biệt quan tâm bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề hiện nay cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm trong xã hội do vậy cần phải nắm bắt được những thay đổi này và có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động đào tạo.
Nội dung và chương trình đào tạo theo đó cần được thay đổi nhằm đáp ứng với thực tiễn.
"Nền tảng động lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là việc phát triển và tích hợp mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực vật lý, sinh học, vật liệu và đặc biệt là các công nghệ số, kinh tế số", Bộ trưởng nói.
Mặt khác, ông cũng cho rằng cần phải đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy.
Việc nghiên cứu của học viên cũng cần đi theo hướng gợi mở khả năng sáng tạo, phát triển ý tưởng mới, xây dựng tính chủ động, khả năng tư duy logic, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp là hết sức cấp thiết.