Bên ngoài văn phòng của 1 startup có tên gọi Nexlabs là khung cảnh khá hỗn loạn với tiếng còi xe inh ỏi và những chiếc xe kéo bị ùn ứ trên con phố ngập rác được điểm xuyết bởi những ngôi nhà cũ nát xiêu vẹo. Tuy nhiên, bước vào bên trong bạn sẽ cảm thấy khá ngạc nhiên với khung cảnh chẳng khác gì cảnh tượng thường thấy ở thung lũng Silicon.
Những lập trình viên trong trang phục quần jean và áo phông đang cắm đầu vào laptop, trên đầu là những tấm poster có khẩu hiệu rất hiện đại "Innovate" hay "Dance Like Crazy". Nhu cầu về các ứng dụng trên smartphone cũng như thiết kế website đang bùng nổ, và trong 12 tháng qua họ đã ký được nhiều hợp đồng quảng cáo với các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như Samsung và Nestle.
"Hôm qua tôi đi uống cafe và những người ngồi ngay ở bàn bên cạnh cũng nói về các ứng dụng", Ye Myat Min - vị CEO mới 25 tuổi của Nextlabs nói.
Điều thú vị trong câu chuyện thành công của Ye Myat Min là nó đang xảy ra ở đất nước mà phần lớn người dân vẫn là nông dân, nhiều con đường vẫn chưa được trải nhựa và thậm chí điện còn là thứ xa xỉ: Myanmar.
Thời gian gần đây, thế giới nhắc nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của công nghệ đến mọi hoạt động kinh tế thương mại trên khắp thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển hơn quan tâm đến những thứ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), ở Myanmar câu chuyện CMCN 4.0 chỉ xoay quanh chiếc điện thoại di động nhưng cũng đủ thú vị để thấy được sự tác động mạnh mẽ của công nghệ.
"Cuộc cách mạng" chưa từng có tiền lệ
Mới cách đây 6 năm, khi Myanmar kết thúc nhiều thập kỷ bị cô lập và đóng cửa với thế giới, điện thoại di động là thứ chỉ dành cho người giàu. Trên thế giới chỉ có Triều Tiên là nước có số lượng điện thoại di động ít hơn Myanmar. Giờ đây làn sóng đầu tư nước ngoài tràn đến nhờ chính sách mở cửa của Myanmar đã giúp hầu hết mọi người dân ở quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á được kết nối.
"Thật kỳ diệu", Marc Einstein, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn ITR Corporation có trụ sở tại Tokyo đã từng cố vấn cho một số công ty viễn thông tới kinh doanh ở Myanmar, nói. "Tôi chưa từng thấy thị trường nào biến đổi nhanh chóng đến vậy".
Bước ngoặt đến vào năm 2013, khi Chính phủ Myanmar chấm dứt chế độ độc quyền nhà nước về dịch vụ điện thoại và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, đi kèm với yêu cầu buộc các nhà đầu tư phải cam kết sẽ phủ sóng cả những vùng xa xôi nhất chứ không phải chỉ ở những thành phố là nơi dễ kiếm tiền hơn nhờ dân cư đông đúc.
Ngay sau đó, năm 2014, Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar bắt đầu chi hàng tỷ USD để phủ sóng cả 1 vùng rộng lớn gồm cả những ngọn núi cao và vùng trũng thường bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa tới. Nhà mạng KDDI và tập đoàn Sumitomo (đều của Nhật Bản) liên doanh với tập đoàn viễn thông nhà nước Myanmar để đầu tư thêm 2 tỷ USD. Giờ đây ở Myanmar có hàng nghìn trạm phát sóng mọc lên cả ở giữa các cánh rừng già hay những cánh đồng lúa ở vùng nông thôn xa xôi.
Theo số liệu của Ngân hàng phát triển châu Á ADB, trong năm 2015 số người đăng ký mới sử dụng dịch vụ di động ở Myanmar nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Khoảng 90% trong số 54 triệu dân có thể tiếp cận điện thoại di động có dịch vụ Internet. 60% sử dụng Facebook hoặc mạng xã hội khác để đọc tin tức. Ở thành phố lớn nhất là Yangon, giờ bạn có thể sử dụng dịch vụ đi chung xe Uber hay Grab.
Nếu trong thời kỳ Myanmar bị cô lập giá 1 chiếc SIM có thể lên tới 2.000 USD trên thị trường chợ đen, ngày nay SIM có dữ liệu di động của Ooredoo được bán với giá 1.5 USD. Người Myanmar có thể mua smartphone với giá chưa đến 20 USD. Cước gọi trong nước vào khoảng 2 cent mỗi phút.
Đối với Naing Win, người đàn ông 30 tuổi bán bánh quế trên phố, điện thoại giúp anh có thể dễ dàng gọi về nhà, khác hẳn trước đây có thể nhiều năm không liên lạc với gia đình vì chỉ có cách gửi thư. Còn Thiri Thant Mon, giám đốc 1 ngân hàng nhỏ ở Yangon, vẫn nhớ chỉ mấy năm trước các tạp chí nước ngoài thường chậm mất vài tuần mới đến được tay cô vì còn bị kiểm duyệt nội dung.
"Đột nhiên tất cả đều có trên Internet và nhận ra thế giới bên ngoài đang diễn biến ra sao. Dường như ai trên phố cũng có thể nói về Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi cách đây vài năm không ai biết chuyện gì đang diễn ra ở thị trấn ngay bên cạnh", cô nói.
Chẳng cần đến tài khoản ngân hàng
Myanmar đang đem đến cho thế giới bài học sinh động về chuyện công nghệ có thể khiến những thứ truyền thống như điện thoại cố định và kể cả là chi nhánh ngân hàng trở nên thừa thãi. Là người đến sau, Myanmar hoàn toàn có thể bỏ qua những thứ như vậy.
Cách đây 7 năm, đất nước này thậm chí không có hệ thống ngân hàng. Giờ đây các dịch vụ ngân hàng tích hợp ngay trên điện thoại di động (mobile money services) đang đảm nhiệm tốt vai trò của dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Đầu năm 2015, Brad Jones chuyển tới Yangon để trở thành CEO của 1 công ty fintech mới chỉ 2 năm tuổi có tham vọng tạo ra cuộc cách mạng về dịch vụ tài chính ở quốc gia thuộc hạng nghèo nhất châu Á. Ông chủ mới của anh là Wave Money, 1 liên doanh giữa công ty viễn thông Na Uy Telenor và Yoma Bank, một trong những ngân hàng tư nhân tốt nhất ở Myanmar.
Từng chinh chiến 10 năm ở thị trường châu Á nhưng Wing nhận ra Myanmar là thị trường thú vị hơn bất cứ nơi nào với cơ hội hiếm thấy. Từ chỗ không có khách hàng nào cách đây 18 tháng, tính đến đầu tháng 2 năm nay Wave Money đã có 1,3 triệu khách, tương đương khoảng 2,5% dân số trưởng thành của Myanmar.
Điểm vượt trội của Wave Money là sự đơn giản. Khách hàng chỉ cần mở 1 tài khoản liên kết với số điện thoại di động mạng Telenor và sau đó có thể chuyển tiền cho bất kỳ ai cũng có tài khoản Wave. Tiền có thể được gửi vào hoặc rút ra tại bất cứ cửa hàng đại lý Wave Shop nào.
Các ngân hàng truyền thống chỉ có 1 cách duy nhất rất đắt đỏ và chậm chạp để mở rộng: mở thêm chi nhánh. KBZ, ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Myanmar, đến tháng 11 năm ngoái mới mở được chi nhánh thứ 500 sau 24 năm tồn tại. Còn Wave chỉ mất 18 tháng để thiết lập đội ngũ 20.000 đại lý phủ sóng gần như khắp đất nước.
Cứ 100.000 người Myanmar thì chỉ có khoảng 3,3 người có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng, trong khi với tỷ lệ có smartphone lên tới 80% dân số, hầu hết mọi người không muốn có tài khoản ngân hàng. Họ chỉ muốn có thể gửi, nhận tiền và thanh toán một cách dễ dàng. Và trong khi dịch vụ mobile money hoạt động 24/7, các chi nhánh ngân hàng chỉ mở cửa ngày thường, từ 9h sáng đến 3h chiều.