Cửa hiệu bánh pizza hay quán cà phê có lẽ không phải là những thứ đầu tiên mà nhiều người nghĩ tới khi nhắc đến Triều Tiên. Tuy nhiên, hãng tin CNN nói rằng có nhiều thay đổi lớn đang diễn ra bên trong quốc gia bí ẩn nhất thế giới này.
Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, Triều Tiên đang chứng kiến một cuộc cách mạng âm thầm trong lĩnh vực tiêu dùng, CNN cho biết. Vốn quen với việc được nhà nước kiểm soát chuyện ăn, mặc và đi lại, người Triều Tiên gần đây đã tiếp xúc nhiều hơn với lối sống phương Tây.
"Người dân được tiếp cận với hàng tiêu dùng và các cơ hội kinh doanh nhiều hơn ở bất kỳ thời điểm nào khác trước đây", chuyên gia cấp cao Curtis Melvin thuộc Viện Mỹ-Hàn, Trường Nghiên cứu quốc tế Cấp cao Johns Hopkins, nói.
Ông Melvin, một người nghiên cứu về kinh tế Triều Tiên, nói rằng các cửa hiệu pizza, quán cà phê, quán bar và trạm xăng của tư nhân đã mọc lên như nấm ở thủ đô Bình Nhưỡng ở Triều Tiên.
Nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân, Liên hiệp quốc đã siết lệnh trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này. Tuy nhiên, Chính phủ Triều Tiên đang cho phép diễn ra ngày càng nhiều hoạt động kinh tế tư nhân và thậm chí khuyến khích cạnh tranh giữa các công ty nhỏ thuộc khu vực tư nhân.
"Ở Triều Tiên bây giờ người ta có thể mở công ty riêng", nhà nghiên cứu về khu vực châu Á-Thái Bình Dương Andray Abrahamian thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington cho hay. "Một cửa hiệu, một công ty mỹ phẩm, bạn có thể tự kinh doanh và nắm giữ phần lớn lợi nhuận thu được".
Du khách thăm Triều Tiên nói rằng họ đã thấy người dân nước này di chuyển bằng những chiếc xe đạp điện đắt tiền. Người Triều Tiên cũng có những lựa chọn khác nhau về dịch vụ taxi hay kem đánh răng.
Đối với người tiêu dùng phương Tây, đây không phải là điều gì to tát, nhưng đây thực sự là một thay đổi lớn ở Triều Tiên. Các chuyên gia nói rằng điều này phản ánh nền kinh tế Triều Tiên đã chuyển biến ra sao dưới thời Kim Jong Un, nhà lãnh đạo trẻ có học vấn phương Tây.
"Ông ấy cởi mở hơn với các hoạt động thị trường" so với nhà lãnh đạo tiền nhiệm Kim Jong Il - giáo sư kinh tế Kim Byung-yeon thuộc Đại học Quốc gia Seoul, một nhà nghiên cứu về nền kinh tế Triều Tiên.
Những thay đổi trên diễn ra đồng thời với sự khởi sắc tăng trưởng của kinh tế Triều Tiên. Nước này không công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế, nhưng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho rằng kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 3,9% trong năm 2016, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu thập niên 2000 và bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế.
"Nền kinh tế Triều Tiên hiện nay khỏe hơn cách đây 20 năm, 10 năm, thậm chí là 5 năm trước đây", giáo sư kinh tế Rudiger Frank thuộc Đại học Vienna, cũng là một nhà nghiên cứu về Triều Tiên, phát biểu.
Việc kinh tế tư nhân nở rộ được cho là làm lợi cho ngân sách Chính phủ Triều Tiên. Hầu hết các chủ nhà hàng, cửa hiệu ở nước này được cho là có quan hệ thân cận với chính quyền, và được yêu cầu phải cắt một phần lợi nhuận cho chính quyền.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bấp bênh quanh việc kinh tế tư nhân ở Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển ra sao. Đến nay, các hoạt động này chủ yếu tập trung ở Bình Nhưỡng, trong khi các khu vực khác của đất nước vẫn còn nghèo và lạc hậu.
Hiện Triều Tiên chưa đưa một chính sách thân thiện với thị trường nào vào luật, nên mọi thứ đều chưa có gì chắc chắn. Nhiều người còn chưa quên một đợt đổi tiền vào năm 2009 đã khiến nhiều người Triều Tiên gần như mất trắng tiền tiết kiệm.
Giới chuyên gia cũng không cho rằng Triều Tiên sẽ cải cách kinh tế theo hướng như một số nền kinh tế tập trung trước đây như Nga và Trung Quốc từng làm. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt gia tăng có thể siết nguồn ngoại tệ và hàng hóa chảy về Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên như than, quặng sắt và hải sản. Gần một nửa của toàn bộ số hàng hóa xuất khẩu này của Triều Tiên là xuất sang Trung Quốc. "Lệnh trừng phạt này rất có hiệu quả trong việc siết nền kinh tế Triều Tiên", ông Frank nói.
Vị chuyên gia cho hay ông đã nghe những thông tin nói rằng một số công ty Triều Tiên đã phải đóng cửa do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia không cho rằng sức ép kinh tế do Mỹ dẫn đầu sẽ sớm khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí của nước này.