Cơ sở để hình thành một số chuỗi đô thị thông minh
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam có 37% dân số sử dụng mạng xã hội (trong đó 73% có tương tác phục vụ công việc); người tiêu dùng số mới tăng trưởng đều đặn trung bình 63% mỗi năm; thời gian sử dụng Internet trung bình khoảng 4 giờ/ngày; giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông tăng đều đặn hằng năm… đã tạo ra nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số.
Trong mục tiêu tăng trưởng, đến năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm 3 phía: Bắc, nam và trung. Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP, hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Kinh tế số - đòn bẩy tăng trưởng kinh tế
Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng thành phố thông minh đã trở thành phương thức phát triển tất yếu đối với các đô thị, nhất là những thành phố lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là với những thành phố có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…
Theo ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, kinh tế số là một phần của nền kinh tế, trong đó gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. 20 năm qua các bộ, ngành đã chuẩn bị cơ chế, chính sách trong xây dựng hạ tầng về phát triển công nghệ số.
“Điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số, là sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...) trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Công nghệ mới cho phép doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu ý kiến.
Còn TS. Nguyễn Thị Thúy - Học viện Chính trị Công an nhân dân - cho hay, xu thế phát triển của hội nhập quốc tế với cuộc CMCN 4.0 và kinh tế tri thức sẽ tạo áp lực buộc Việt Nam phải đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trên cơ sở hạ tầng hiện đại. Để đẩy mạnh ngành CNTT và viễn thông, cần thực hiện đổi mới, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về việc phát triển ngành CNTT và viễn thông. Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển ngành CNTT và viễn thông. Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển ngành CNTT và viễn thông quốc gia đồng bộ, hiện đại. Có kiến trúc tổng thể hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm kết nối liên thông nhằm tránh phát triển thiếu định hướng, đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao, sự kết nối thiếu tính liên thông, không có tính kế thừa. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất.
Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng...
(Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)