Chia sẻ tại hội thảo “Văn hoá doanh nghiệp – Nền tảng hay lực cản”, ông Nguyễn Thanh Mỹ có nhắc đến những lớp học mà ông xuất hiện với vai trò người thầy.
Lớp học của ông không có ghế, thầy và trò đều phải đứng, bởi đó là sự bình đẳng, công bằng như cách ông nhìn nhận. Các sinh viên ngoài việc học chính quy, có 4 tháng làm cho công ty ông. Ngoài mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng, sinh viên được tài trợ ăn uống, áo quần.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ nguyên là chủ tịch Mỹ Lan Group, từng làm việc cho những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như IBM, Sun Chemicals và Kodak Polychome Graphics, sở hữu 200 bằng phát minh, sáng chế. Công ty American Dye Source (ADS) do ông sáng lập đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ.
Năm 2004 từ Canada trở về Trà Vinh, ông đã xây dựng Nhà máy Hóa chất Mỹ Lan, áp dụng công nghệ quang điện tử hiện đại để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như vật liệu hữu cơ, phát quang, tạo hình 3 chiều, bản kẽm nhiệt CTP…
Cách đây 2 năm, ông trao hết quyền cho vợ để về Cù lao Long Trị khởi nghiệp lại với Công ty Rynan AgriFoods. Một năm sau đó, ông thành lập Rynan Smart Fertilizers chuyên về phân bón.
Cách dạy của ông cũng rất đặc biệt. Mỗi sinh viên trước khi vào lớp đều phải nộp những câu hỏi, những thắc mắc. Trong số những câu hỏi nộp lên, ông Mỹ ấn tượng nhất khi một bạn sinh viên đặt vấn đề: “Cách nào để làm giàu?”.
Đó là câu hỏi đơn giản nhưng rất khó trả lời, ông Mỹ cho biết.
Gợi ý cho sinh viên, ông cho biết Việt Nam có 94 triệu người, nói vui thì chắc chắn cần có 94 triệu cái quan tài. Tuy nhiên, quan tài của người Việt làm ra xấu, không được sang trọng như chiếc được dùng cho Steve Job. Vậy đơn giản nhất sao không nghĩ đến việc làm một chiếc quan tài thật đẹp, sang chảnh, có kết nối wifi chẳng hạn?
Tiếp tục đặt vấn đề, ông yêu cầu sinh viên tìm một câu slogan cho công ty sản xuất quan tài cao cấp này. Chưa đầy 1 phút sau, ông đã có một câu trả lời rất hài hước.
Theo ông, người Việt Nam rất thông minh, nhưng phải bị hỏi mới thông minh. Đấy cũng chính là lý do ông luôn yêu cầu sinh viên phải biết đặt câu hỏi. “Tự đặt câu hỏi là có cách giải quyết. Việt Nam hiện nay dạy đối phó nhiều hơn là cách giải quyết vấn đề”, ông Nguyễn Thanh Mỹ nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi hay nhìn sâu hơn là năng lực giải quyết vấn đề là một trong những điểm yếu của sinh viên Việt Nam. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn bị đơn vị tuyển dụng từ chối do thiếu khả năng này dẫn đến kém thích nghi, xa lạ với môi trường làm việc.
Ông Matsushita Takashi, cố vấn Cao cấp Hình thành Dự án, Văn phòng JICA tại Việt Nam khẳng định nếu ứng viên nào có năng lực giải quyết vấn đề hầu hết nằm trong vòng tiềm năng của doanh nghiệp Nhật Bản. “Chúng tôi cần những nhân viên có suy nghĩ độc lập, tìm ra và bảo vệ ý kiến của mình”, ông Takashi nói.