Tháng 6/2019, Công ty TNHH MTV In Tiến Bộ (In Tiến Bộ) bất ngờ thông báo sẽ di dời cơ sở sản xuất tại số 175 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) ra địa điểm mới để triển khai dự án địa ốc có tên gọi Tiến Bộ Plaza.
Theo giới thiệu, Tiến Bộ Plaza là tổ hợp công trình hỗn hợp khách sạn 5 sao, khách sạn căn hộ, văn phòng (ngoại trừ diện tích 1.000 m2 văn phòng của In Tiến bộ) và trung tâm thương mại, cây xanh, dịch vụ công cộng. Dự án được phát triển trên khu đất rộng 3,2 ha tại 175 Nguyễn Thái Học, vốn thuộc quyền quản lý sử dụng của In Tiến Bộ.
Với diện tích xây dựng lớn cùng vị trí đắc địa, Tiến Bộ Plaza được xem là mảnh "đất vàng" hiếm hoi còn sót lại vùng nội đô.
Tháng 7/2019, một số thông tin cho biết bên hợp tác với In Tiến Bộ để phát triển dự án là CTCP TID.
Tài liệu của VietTimes thì cho biết, từ nhiều năm trước đó, cụ thể là vào cuối tháng 7/2016, CTCP TID (TID) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 35-HĐHTKD/ITB-TID với In Tiến Bộ về việc đầu tư dự án Tiến Bộ Plaza tại số 175 phố Nguyễn Thái Học.
Việc TID Group vượt mặt những 'ông lớn' có khẩu vị đầu tư quen thuộc với những khu đất vàng ở vùng lõi thủ đô - chẳng hạn như Vingroup hay BRG, trở thành cái tên được In Tiến Bộ "chọn mặt gửi vàng" ở dự án Tiến Bộ Plaza khiến thị trường không khỏi tò mò về thực lực cũng như giới chủ đứng sau tập đoàn này này.
TID Group có gì?
Theo tìm hiểu của VietTimes, TID tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghiệp TID, được thành lập vào tháng 11/1995, nổi danh trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, thi công hệ vách kính lớn, kính vượt khổ, kính cản nhiệt và thang máy cho các toà nhà cao tầng.
Tính đến cuối tháng 7/2018, TID có vốn điều lệ 295 tỉ đồng, gồm 4 cổ đông sáng lập. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh và bà Hoàng Hải Yến nắm giữ lần lượt 10% và 4,56% vốn điều lệ. Trong khi những nhà sáng lập khác như ông Nguyễn Quốc Hùng và ông Nguyễn Quang Hân đã chuyển nhượng cổ phần.
Cập nhật đến ngày 9/12/2020, TID nâng vốn điều lệ lên 500 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu thời điểm này không được công bố. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Hồng Minh (SN 1962).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, những năm gần đây, TID có kết quả kinh doanh khiêm tốn, chỉ lãi vài tỉ đồng mỗi năm, đồng thời tỷ suất sinh lời cũng càng ngày càng giảm. Khả quan nhất là năm 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 262,4 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 12 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 4,5%.
Năm 2018, doanh thu thuần của TID đạt 319,3 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 3,6 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,1%. Sang năm 2019, 2 chỉ tiêu này lần lượt là 406,8 tỉ đồng và 2,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,59%.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của TID đạt 916,5 tỉ đồng, giảm 26,5% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 473,8 tỉ đồng.
Lưu ý rằng, kết quả kinh doanh trên chỉ là của công ty mẹ, TID hiện còn đang sở hữu một số chi nhánh tại TP. HCM, Bình Dương, Thanh Hoá…
Được biết, TID là một trong những đơn vị đầu tiên sở hữu dây chuyền sản xuất kính cường lực. Công ty này cũng tiên phong sử dụng nhôm sơn tĩnh điện – Mayfair (1997), sử dụng kính phản quang (1997) và sản xuất, áp dụng kính laminate, kính dán an toàn (2004), …
TID từng đóng vai trò nhà thầu tại nhiều công trình dự án tiêu biểu như: Trung tâm xổ số kiến thiết 37 Hàng Bài (1997), Nhà hát lớn Hà Nội (1998), Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (2002), Tòa nhà văn phòng Vinaconex (2010), Bảo tàng Hà Nội (2010), …
Tháng 9/2011, TID tách mảng kinh doanh sản xuất nhôm, kính và xây lắp kinh ra hoạt động riêng và thành lập CTCP Tường kính TID (tên cũ là CTCP TID Façade).
Cập nhật tại ngày 1/12/2016, CTCP Tường kính TID có vốn điều lệ 60 tỉ đồng, trong đó TID góp 24 tỉ đồng, sở hữu 40% vốn điều lệ. Phần còn lại được nắm giữ bởi 3 cổ đông cá nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Minh (32,342%), ông Bùi Phú Phong (14,992%) và ông Nguyễn Quốc Hùng (4%).
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2019, Tường kính TID ghi nhận doanh thu thuần đạt 161,2 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 1,8 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,1%. Trước đó, năm 2017, 2 chỉ tiêu này lần lượt là 98 tỉ đồng và 1,5 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 1,5%.
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Tường kính TID đạt 508,6 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 65,7 tỉ đồng.
Cũng trong lĩnh vực sản xuất kính, TID còn sở hữu công ty con là CTCP Kính Glaco (Kính Glaco) – đơn vị sản xuất và cung cấp kính tôi, kính hộp, kính cản nhiệt cho ngành xây dựng. Ngoài ra, TID còn nắm CTCP Thang máy TID – đơn vị chuyên cung cấp, lắp đặt và bảo trì thang máy, thang cuốn, hệ thống đỗ xe tự động, …
Hiện TID đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất tại Lô C7/2 Khu công nghiệp Quế Võ 1, Bắc Ninh và tại Lô C1, đường số 8, Khu công nghiệp Phúc Long, Long An.
Sau những thành công trong lĩnh vực truyền thống, năm 2008, TID bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản với 2 dự án đầu tay là tòa nhà văn phòng TID Centre tại số 4 Liễu Giai và tổ hợp căn hộ cao cấp Dolphin Plaza tại Mỹ Đình, Hà Nội.
Trong đó, đáng chú ý hơn là Dolphin Plaza – dự án này có quy mô gồm 4 toà tháp cao 28 tầng, được khởi công xây dựng từ năm 2008 và hoàn thành vào năm 2012 với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.
Ngoài các pháp nhân kể trên, tính đến tháng 5/2016, TID còn sở hữu 30% vốn CTCP PDC (tên cũ là CTCP Đầu tư Xây dựng Phước Hoà Chợ Lớn). Được biết, PDC từng tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 319,95 kW tại nhà máy là Chi nhánh CTCP TID Miền Nam tại Long An.
Lưu ý rằng, cổ đông lớn nhất nắm 40% vốn CTCP TID Miền Nam là CTCP Điện Biên (nhận chuyển nhượng từ TID vào tháng 1/2016). Mặt khác, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT TID, từng nắm 80% cổ phần của CTCP Điện Biên, tuy nhiên đã triệt thoái vốn vào tháng 10/2016.
Ngoài ra, CTCP Điện Biên cũng từng phối hợp với TID để kinh doanh dự án Dolphin Plaza theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 27/2016/HĐHT/DIENBIEN-TID ngày 03/10/2016.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vài năm gần đây, CTCP Điện Biên ghi nhận lãi thuần chỉ ở mức vài trăm triệu đồng/năm dù phát sinh hàng chục tỉ đồng doanh thu. Như năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của công ty này lần lượt đạt 16,4 tỉ đồng và 49,6 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 0,5 tỉ đồng và 0,8 tỉ đồng.
Năm 2019, CTCP Điện Biên ghi nhận doanh thu thuần đạt 34 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 0,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,1%.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của CTCP Điện Biên đạt 199,8 tỉ đồng, giảm gần 60% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 96,1 tỉ đồng./.