Theo một số chuyên gia, cách tính thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh hiện nay đã rất lạc hậu và chưa theo kịp diễn biến tăng giá cả tiêu dùng và diễn biến của thu nhập giữa các vùng với nhau.
Hiện, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh này không phân biệt vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực. Điều này khiến bộ phận người lao động tại khu vực đô thị, thành phố lớn - nơi có mức tiêu dùng cao, nằm trong diện chịu thuế lớn.
Dẫn chứng, với một người ở Hà Nội có thu nhập 11 triệu đồng, có 2 người con phụ thuộc là gần 20 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nếu người đó có mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân. trong khi đó, mức thu nhập 20 triệu đồng "không thấm vào đâu" so với chi phí tiêu dùng tại Hà Nội.
"Thu nhập 20-30 triệu đồng thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, là rất phi lý. Luật Thuế thu nhập cá nhân cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cho từng đối tượng, từng vùng miền. Bên cạnh đó, cần xem xét các yếu tố hộ gia đình đó phải vay mua nhà ở xã hội, phải thuê nhà...", Chị Vũ Lan Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đề xuất.
Trả lời PV Dân Việt, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, các mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân không căn cứ vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu theo vùng hiện chênh lệch gần 1,5 triệu đồng. Mức sống và chi phí sinh hoạt ở các vùng "vênh" lớn giữa các vùng với nhau. Thế nhưng, mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. Ông Thịnh cho rằng, nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống nên bắt buộc phải sửa đổi. Những quy định không phù hợp như: Mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế, những căn cứ sửa đổi theo chỉ số CPI,...
Hiện, thuế thu nhập cá nhân bao gồm 7 bậc tính thuế. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc chịu thuế quá cận nhau, điều này khiến người có thu nhập thuộc diện chịu thuế bậc 2, chỉ cần tăng nhẹ số thu nhập/tháng, sẽ phải chịu mức thuế bậc 3 và bậc 4. Trong khi đó, thuế suất các bậc này đều chênh nhau hơn 5%.
Đối với bậc 3, thu nhập tính thuế 10-18 triệu đồng, chịu thuế suất 15%. Tuy nhiên, đến bậc 4, thu nhập tính thuế 18 đến 32 triệu đồng/tháng sẽ chịu mức thuế suất 20%. Nếu trường hợp thu nhập tính thuế của người chịu thuế bậc 3 lên 19 triệu đồng/tháng, người chịu thuế sẽ bị tính mức thuế bậc 4, tăng thêm 5% mức thuế suất.
Bên cạnh đó, quy định biểu thuế lũy tiến quá dày từ ở các bậc 2-4. Bậc 2, thu nhập tính thuế từ 5-10 triệu đồng/tháng, khoảng cách tính thuế chênh 5 triệu đồng/người. Bậc 3, thu nhập tính thuế là 10-18 triệu đồng/tháng, khoảng cách tính thuế 8 triệu đồng. Bậc 4, thu nhập tính thuế là 18-32 triệu đồng/tháng, khoảng cách tính thuế 14 triệu đồng/tháng. Các bậc 5, khoảnh cách tính thuế là 20 triệu đồng; thu nhập tính thuế từ 32-52 triệu đồng/tháng. Bậc 6, khoảng cách tính thuế trong bậc là 32 triệu đồng.
Khoảng cách chênh tính thuế trong các bậc 1-2 và 3 nhỏ, nên số đối tượng chịu thuế chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, người chịu thuế bậc 1, bậc 2 có thể sẽ phải chịu mức thuế bậc 3, bậc 4 nếu tổng thu nhập giữa các tháng tăng nhẹ.
Trong khi đó, đối với những đối tượng có mức thu nhập cao bậc 4, 5 và 6, khoảng chênh lệch tính thuế trong các bậc từ 14 triệu đến 32 triệu đồng. Đơn cử như trường hợp người bị tính thuế thu nhập bậc 5, dù có gia tăng thêm 10 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn chỉ chịu mức thuế suất bậc 5.
"Khoảng chênh lệch tính thuế đã tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế. Khoảng cách, cần giãn khoảng cách giữa các bậc thuế nhiều hơn nữa, nhất là đối với các bậc thấp như 1-3, để người dân không phải đối diện với cảnh chỉ tăng nhẹ thu nhập, đã chịu một mức thuế khác", PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói.