Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho CBCCVC, LLVT và người lao động trong doanh nghiệp

08/05/2018 09:18
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết “Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng. Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003), nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động; tiền lương trong khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc vẫn chưa độc lập với việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; việc thể hóa chủ trương của Đảng về tiền tệ hóa các chế độ ngoài lương (ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh,...) còn chậm.

Thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương, hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực, không ban hành mới các chế độ phụ cấp theo nghề, bước đầu triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc trả lương... Cụ thể là:

Trong khu vực công, tiền lương từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương. Từ năm 2003 đến nay đã 11 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng (tăng thêm 519%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cùng kỳ là 208,58%), thu gọn hệ thống bảng lương, rút bớt số bậc và mở rộng khoảng cách giữa các bậc lương. Quy định bảng lương chuyên môn theo ngạch, bậc đối với công chức, viên chức; quy định các chức danh lãnh đạo từ thứ trưởng và tương đương trở xuống thực hiện xếp lương ngạch, bậc và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, tạo thuận lợi cho việc điều động, luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị. Bảng lương của lực lượng vũ trang được quy định riêng thể hiện rõ sự ưu đãi của Nhà nước. Thực hiện nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; xét thăng quân hàm đối với sĩ quan; nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Quy định phụ cấp theo 5 nhóm gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp theo vùng; phụ cấp theo điều kiện lao động, ưu đãi nghề, công việc; phụ cấp theo thời gian công tác; phụ cấp theo cơ quan. Từng bước đổi mới và tách riêng cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập của cơ quan Nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức và viên chức; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Đổi mới giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương, gồm 4 nguồn thay cho việc bảo đảm toàn bộ từ ngân sách Trung ương như trước năm 2003.

Chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp đã từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước giảm dần sự can thiệp hành chính, quản lý tiền lương thông qua quy định mức lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế. Thay đổi cơ chế xác lập mức lương tối thiểu vùng, từ ấn định của Nhà nước sang dựa trên kết quả thương lượng 3 bên. Mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng của doanh nghiệp, từng bước cải thiện đời sống của người lao động. Doanh nghiệp được quyết định chính sách tiền lương theo nguyên tắc chung, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động trong điều kiện thị trường lao động chưa phát triển, năng lực thương lượng của người lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở còn hạn chế. Vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia quyết định chính sách tiền lương của doanh nghiệp từng bước được tăng cường, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình ban hành chính sách và trả lương cho người lao động. Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực, kết nối cung-cầu và  cung cấp thông tin để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Chính sách tiền lương khu vực DNNN được đổi mới phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; tách tiền lương của người quản lý với người lao động, gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, quá trình cải cách chính sách tiền lương của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: Tiền lương khu vực công còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình họ, thiết kế hệ thống bảng lương còn phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương bằng hệ số nhân với mức lương tối thiểu đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Nhiều trường hợp tiền lương của lãnh đạo cấp trên thấp hơn tiền lương của lãnh đạo cấp dưới, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Có quá nhiều loại phụ cấp, đặc biệt là phụ cấp theo nghề và hệ số tiền lương tăng thêm đã phát sinh nhiều bất hợp lý. Tiền lương theo chế độ thấp nhưng nhiều trường hợp có các khoản ngoài lương như bồi dưỡng họp, xây dựng đề án, đề tài... chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập của cán bộ, công chức, làm mất vai trò đòn bẩy của tiền lương. Chưa có giải pháp gắn cải cách tiền lương với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Việc đổi mới tổ chức và quản lý, cơ chế tài chính đối với khu vực sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương cơ bản vẫn do ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm (khoảng 98%) và chủ yếu từ ngân sách Trung ương (khoảng 68%). Việc điều chỉnh giá, phí dịch vụ công nhiều lĩnh vực còn chậm. Một số địa phương còn dư nguồn cải cách tiền lương nhưng không được chi lương cao hơn. Chưa có cơ chế tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Công tác thông tin, báo cáo, thống kê và cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng và tiền lương trong khu vực công còn hạn chế.

Đối với khu vực doanh nghiệp, quy định về tiền lương tối thiểu chưa cụ thể, tiêu chí xác định còn nhấn mạnh vào nhu cầu sống tối thiểu; chưa quy định mức lương tối thiểu theo giờ; chức năng bảo vệ người lao động yếu thế còn hạn chế. Việc quy định một số nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương còn ảnh hưởng đến quyền tự chủ tiền lương của doanh nghiệp. Chưa thực sự phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng. Vi phạm quy định pháp luật về tiền lương còn nhiều; công tác hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh ngiệp Nhà nước còn nhiều bất cập. Tiền lương của người lao động chưa thực sự gắn với năng suất lao động; chưa tách bạch giữa tiền lương của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên với ban giám đốc.

Những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, cụ thể như sau: Tiền lương là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; còn tư tưởng bình quân, cào bằng; chưa có nghiên cứu toàn diện về tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ NSNN quá lớn và ngày càng tăng, nhất là biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố dẫn đến tổng quỹ lương và phụ cấp từ NSNN ngày càng lớn (khoảng 20% chi NSNN). Việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự làm cơ sở để xác định biên chế và trả lương. Nguồn kinh phí được giao tự chủ trong tổng chi NSNN cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hợp lý, dẫn đến việc sử dụng các khoản chi hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khá lớn và trở thành phổ biến. Việc gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, dẫn đến thay đổi lộ trình của từng chính sách. Chưa phân định rõ mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp, giữa đại diện chủ sở hữu với ban điều hành doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, chưa tạo được đồng thuận cao.

Việc cải cách chính sách tiền lương thời gian tới có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta được kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, phát triển và hội nhập; nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ, hoàn thiện. Nhiều quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước tạo nền tảng cho cải cách chính sách tiền lương đã được ban hành, nhất là về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thế và lực của nền kinh tế đã lớn mạnh hơn; thị trường lao động ngày càng phát triển; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng tăng, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho cải cách chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn; tiềm lực NSNN còn hạn hẹp trong khi nhu cầu chi rất lớn cho đầu tư phát triển, cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quốc phòng an ninh. Việc cải cách chính sách tiền lương liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội nên đòi hỏi phải có sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao và cần có thời gian phát huy hiệu quả. Trong khi đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ biến đổi rất nhanh và Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, cải cách toàn diện, tổng thể chính sách tiền lương để không là trở ngại mà trở thành một công cụ quan trọng khuyến khích và thu hút các nguồn lực lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Trước yêu cầu phát triển trong điều kiện những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm đúng đắn, phù hợp với bối cảnh mới.

Một là, xác định chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội. Tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Hai là, cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và nguồn lực của đất nước.

Ba là, trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Bốn là, đối với khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Năm là, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, gắn liền và thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đây sẽ là những quan điểm cốt lõi trong thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ổn định, thống nhất, liên tục, thông suốt, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát trên bằng các mục tiêu, lộ trình cụ thể như sau:

Đối với khu vực công: Từ năm 2018 đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021; năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ (2 đến 3 năm) thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của NSNN. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp: Từ năm 2018 đến năm 2020, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và mức sống của người lao động để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với DNNN theo nội dung của Đề án cải cách chính sách tiền lương.

Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Nhà nước định kỳ điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia và không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp từ năm 2021. Thực hiện quản lý lao động tiền lương trong DNNN theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn chính sách tiền lương ở nước ta từ năm 1960 đến nay; kết quả nghiên cứu khảo sát sâu rộng ở trong nước và ngoài nước với sự tham gia góp ý của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã làm rõ những nội dung cơ bản về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp ở nước ta trong thời gian tới như sau:

Đối với khu vực công: Thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới (gồm: Mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp; tiền thưởng). Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới. Thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng (gồm: Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương như hiện nay). Xây dựng 3 bảng lương mới đối với lực lượng vũ trang. Xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành. Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Đối với người lao động trong các doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế-xã hội. Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; về chính sách tiền lương đối với DNNN.

Từ những nội dung cơ bản về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nêu trên, trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải cách chính sách tiền lương đồng bộ với đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2- Tích cực xây dựng hệ thống vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở tổng kết thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế.

3- Xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới để áp dụng thống nhất từ năm 2021. Thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý chính sách tiền lương của toàn hệ thống chính trị, trực tiếp là Bộ Chính trị quyết định và giao cơ quan chức năng ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ Trung ương đến cấp xã và người lao động trong doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước căn cứ nội dung của Đề án để xây dựng và ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương mới khi hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

4- Quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương, gồm: (1) Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, về phát triển kinh tế tư nhân, về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; về quản lý nợ công; (2) Cơ cấu lại thu NSNN bảo đảm tỷ lệ huy động vào NSNN ở mức phù hợp; (3) Hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương; (4) Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm; (5) Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho các năm sau, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép; (6) Cơ cấu lại chi NSNN gắn với cải cách tiền lương, cơ cấu lại chi một số lĩnh vực sự nghiệp công gắn với việc điều chỉnh giá, phí đối với các dịch vụ sự nghiệp công. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; khoán các chế độ ngoài lương (xe ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh...); (7) Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng Nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách.

5- Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương.

6- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tiền lương; sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động.

7- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều năm đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong đó giải pháp thứ 4 và thứ 5 mang tính đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu cải cách chính sách tiền lương nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị ổn định, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững./.

Tin mới

Honda Wave 125i 2025 ra mắt: Thêm màu mới đẹp như SH, 'ăn' 1,4L/100km
7 giờ trước
Mẫu xe máy số Honda Wave 125i đời năm 2025 vừa được ra mắt, bổ sung thêm màu sắc mới.
12 năm chỉ dùng Android, tôi tò mò dùng thử iPhone xem thế nào để rồi nhận ra Android vẫn là "đỉnh nhất"
6 giờ trước
iPhone là thiết bị thú vị nhưng sử dụng điện thoại Android vẫn thoải mái nhất.
Suzuki XL7 Hybrid: Sở hữu xe gia đình chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ
5 giờ trước
Suzuki XL7 Hybrid vừa ra mắt đã nhanh chóng khẳng định vị thế trong phân khúc xe hybrid tại Việt Nam, đem đến sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ mới và hiệu suất hoạt động. Mẫu xe này liên tục nằm trong nhóm đầu doanh số xe hybrid, cho thấy mức độ phù hợp với số đông người tiêu dùng.
Vợ Shark Thái: Rất nhiều người bán kem trộn trên TikTok trộn tất cả sản phẩm với nhau không theo một công thức nào cả
5 giờ trước
"Mỹ phẩm nào chả là kem trộn. Câu này đúng nhưng các bạn đừng để bị đánh tráo khái niệm. Một sản phẩm tốt được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố", vợ Shark Thái cho biết.
Nhiều chuyến bay dịp Tết đã gần lấp đầy
4 giờ trước
Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách sớm đặt vé bay để có các mức giá ưu đãi.

Tin cùng chuyên mục

Mở toang cửa cho xe điện Trung Quốc, toàn chuỗi cung ứng ô tô Thái Lan lao đao
18 phút trước
Từ nơi được mệnh danh là Detroit của Đông Nam Á, giờ toàn chuỗi cung ứng cho ngành ô tô của Thái Lan đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc.
Sức mạnh của Trung Quốc: Phần còn lại của thế giới khó lòng giảm phụ thuộc, toàn chuỗi cung ứng bị chi phối bởi hàng giá rẻ
13 giờ trước
Bất cứ thứ gì người khác có thể cung cấp, Trung Quốc đều làm được với giá rẻ hơn.
Toyota Corolla Cross hybrid đổi pin công nghệ mới giống Camry 2025, dễ về Việt Nam trong thời gian gần
13 giờ trước
Toyota Thái Lan vừa công bố bản nâng cấp 2024 cho SUV Corolla Cross với một số thay đổi về thiết kế, trang bị và hệ truyền động.
Thủ tướng chỉ đạo hai bộ siết chặt hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử nước ngoài
14 giờ trước
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cùng nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử.