Chiều 24/5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018.
Ngân hàng Nhà nước đứng đầu, ngành giao thông bét bảng
Chỉ số cải cách hành hính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2018) được đánh giá ở 18 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 39 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 41 tiêu chí, 96 tiêu chí thành phần.
Kết quả PAR INDEX 2018 của khối bộ, ngành cho thấy nhóm thứ nhất đạt kết quả trên 80%, bao gồm 14 bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhóm thứ hai, đạt kết quả từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 4 Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giao thông Vận tải.
Năm 2018, không bộ nào có kết quả PAR INDEX dưới 70%. Tuy nhiên, chỉ có 8 bộ có Chỉ số PAR INDEX trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Nam đạt chỉ số PAR INDEX cao nhất với kết quả là 90,57%; Bộ Giao thông Vận tải đạt mức thấp nhất với giá trị 75,13%.
PAR INDEX năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình đạt 76,92%. Có 29 địa phương đạt kết quả cao hơn giá trị trung bình, trong số đó có 9 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63 địa phương đạt kết quả trên 70%.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 89,06%, cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là thành phố Hà Nội, đạt 83,98%.
Tỉnh Đồng Tháp đạt 83,71/100 điểm, tăng 1,80 điểm so với năm 2017, đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng hợp và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ…
Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của 2 địa phương đó là Long An và Ninh Bình. Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng, Phú Yên là địa phương đứng cuối bảng với kết quả Chỉ số đạt 69,53%.
Chỉ số hài lòng 2018: Sơn La số 1, Hà Giang cuối bảng
Theo Báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS), tỉ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung là 82,99%; hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98-97,88%.
Như vậy, tỉnh có SIPAS cao nhất là 97,88% và thấp nhất là 69,98%.
Năm yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ Chỉ số SIPAS 2018, gồm: (1) Tiếp cận dịch vụ, (2) thủ tục hành chính, (3) công chức, (4) kết quả dịch vụ, (5) việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước lần lượt là: 80,62%, 86,40%, 85,10%, 88,13% và 74,07%.
So với năm 2017, Chỉ số SIPAS nói chung cả nước trong năm 2018 tăng hơn 2%.
Tỉnh Sơn La dẫn đầu về Chỉ số SIPAS, tiếp theo là Ninh Bình, Hưng Yên và Hà Tĩnh. Đứng cuối bảng là tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bình Định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết năm 2018 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng nhưng công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong kết quả 2 chỉ số nói trên trong năm 2018.
"Việc giải quyết thủ tục hành chính phải nhanh gọn, với các quy định cụ thể. Nếu chúng ta vẫn để bộ máy cồng kềnh, qua nhiều khâu trung gian thì đây là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, kể cả tham nhũng vặt, tồn tại cơ chế xin-cho, tình trạng "chạy dự án", "cò dự án" vẫn còn", Phó thủ tướng nói.