Các chính sách hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân bước đầu trụ vững trước những khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trao đổi với Nhadautu.vn , TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định các DN vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ khác về tháo gỡ thể chế, đơn giản thủ tục, đặc biệt là các chính sách bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về chính sách thuế cho nhiều đối tượng trong đó có doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do COVID-19. Ông đánh giá gì về nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua?
TS. Vũ Tiến Lộc: Cộng đồng DN có nhiều ý kiến phản hồi khác nhau về các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
Nhìn chung, các DN ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ trong việc đồng hành cùng DN vượt khó. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tôi được biết Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về chính sách thuế nhằm thực hiện 4 giải pháp hỗ trợ DN.
Đó là, giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành, nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.
Việc Chính phủ liên tục giao các bộ, ngành thiết kế các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, khi thiết kế chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu lấy ý kiến góp ý từ cả cộng đồng DN, bảo đảm thực thi với thủ tục đơn giản, hiệu quả nhất.
Với giải pháp thứ nhất, trong dự thảo mà Bộ Tài chính xây dựng là giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2021 nhưng chỉ với quy mô 200 tỷ trở xuống (như năm 2020), số DN thụ hưởng không quá nhiều. Vì trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nhiều DN giảm mạnh lợi nhuận, thậm chí có DN nhỏ thu không đủ bù đắp chi.
Về giải pháp giảm 50% cho hộ kinh doanh là rất hữu ích, như "mũi tên trúng hai đích", vừa giúp cho các hộ kinh doanh, vừa hỗ trợ lực lượng lao động bởi khu vực hộ kinh doanh có đóng góp tới 30% GDP nên có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Việc giảm thuế cho khu vực này là một sự đột phá về mặt chính sách, thể hiện Chính phủ không chỉ quan tâm các DN lớn mà còn cả hộ cá nhân kinh doanh - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng với các DN kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch là rất hợp tình, hợp lý.
Cuối cùng, giải pháp miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 và không phạt phần nộp chậm có tác động lớn đến cộng đồng DN, khiến đông đảo DN yên tâm, đồng hành cùng Chính phủ.
Các ngân hàng cũng đang giảm lãi suất cho vay nhưng nhiều DN vẫn phản ánh khó tiếp cận?
TS. Vũ Tiến Lộc: Để hỗ trợ DN gặp khó khăn do đại dịch, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất là sự chia sẻ đáng ghi nhận, đặc biệt nguồn hỗ trợ này là từ nguồn lực của chính các ngân hàng với ước tính mỗi ngân hàng tham gia lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, số DN thật sự tiếp cận được lãi suất giảm còn ít so với kỳ vọng, DN vẫn còn "kêu nhiều", đặc biệt là các DN nhỏ vì khó tiếp cận vốn vay ưu đãi. Cộng đồng DN mong muốn các ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa trong việc đồng hành, chia sẻ khó khăn.
Bản thân các ngân hàng cũng phải hoạt động kinh doanh như một DN (kinh doanh tiền tệ). Do đó, việc mở rộng tín dụng, nới "room" cho vay trong bối cảnh hiện nay cũng đòi hỏi phải đi đôi với chất lượng tín dụng, nên dư địa về chính sách tiền tệ, hạ lãi suất điều hành, tạo điều kiện để hạ tiếp lãi vay cũng không còn nhiều.
Có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu lại nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020. Trong bối cảnh khó khăn, DN sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục, ổn định nên nợ phát sinh nghĩa vụ phải trả sau tháng 12/2021 vẫn cần phải cơ cấu lại. Trong bối cảnh dịch bệnh, đối với việc cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng như tại Thông tư 03 thì doanh nghiệp vẫn khó có thể trả nợ.
Vậy theo ông, ngoài những gói hỗ trợ trên, DN cần giải pháp gì thêm ở Chính phủ?
TS. Vũ Tiến Lộc: Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng DN, không chỉ có các gói hỗ trợ về chính sách tài khoá, tiền tệ, Chính phủ còn nhiều chính sách khác hỗ trợ người dân và DN. Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện, nước sạch và cước viễn thông cho người dân và DN là rất đáng hoan nghênh.
Nhưng các DN hiểu rằng, với ngân sách hạn hẹp hiện nay, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không còn nhiều để bảo đảm giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Không thể kỳ vọng Việt Nam có thể so sánh với các nước giàu với ngân sách dồi dào, sẵn sàng bơm hàng nghìn tỷ USD khôi phục kinh tế.
Như vậy, giải pháp tháo gỡ hiện nay là cải cách thể chế, đây chính là "gói hỗ trợ" còn dư địa lớn nhất với nhiều kỳ vọng từ các DN.
Cộng đồng DN thấy rõ quyết tâm của Chính phủ là phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với nỗ lực duy trì tăng trưởng, phấn đấu thực hiện "mục tiêu kép". Tuy nhiên, để thực hiện "mục tiêu kép" thì cần "thước đo kép", mà đáng tiếc, điều này chưa được các địa phương quan tâm thực hiện đúng mức.
Trong thời gian dịch bùng phát vừa qua, cộng đồng DN chứng kiến không ít địa phương áp dụng các chỉ thị chống dịch khá máy móc, không thống nhất, dẫn đến việc các DN gặp không ít phiền toái, tăng gánh nặng chi phí và đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.