Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc tại Bộ Nội vụ về cải cách tiền lương. Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương cho biết đang cân nhắc thời điểm thực hiện cải cách tiền lương vào 1/1 hoặc 1/7/2021 tùy theo sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan.
Cũng theo Phó Thủ tướng, để thực hiện cải cách tiền lương hiệu quả phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước tiên sắp xếp, tinh giản bộ máy, giảm biên chế, số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Tiếp nữa là tạo được nguồn để thực hiện cải cách.
Ngoài ra, thông tin từ Bộ Nội vụ, hiện có 28/36 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 UBND tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo về xây dựng bảng lương, phụ cấp theo nghề căn cứ dự thảo thiết kế bảng lương mới.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đưa ra phương án điều chỉnh tiền lương mới dành cho khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, với mức lương thấp nhất của công chức, viên chức 4,14 triệu đồng, tương ứng hệ số lương 1,86 (trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành). Con số này cao hơn đáng kể so với mức gần 2,6 triệu đồng hiện nay.
Hiện nay | Phương án 1 | Phương án 2 | |
Số lượng vị trí, chức danh | 10 | 12 | 15 |
Hệ số lương | 2,34 | 2,68 | 3 |
Mức lương chuyên viên bậc 1 | 3,25 triệu đồng | 5,96 triệu đồng | 6,68 triệu đồng |
Mức lương chuyên gia cao cấp bậc 3 | 13,9 triệu đồng | 26,7 triệu đồng | 33,4 triệu đồng |
Khi hệ thống bảng lương mới được áp dụng sẽ thay thế cho quy định lương theo hệ số, ngạch bậc lâu nay.
Về khu vực hưởng lương ngoài ngân sách sẽ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, trong đó bãi bỏ hệ thống thang, bảng lương hiện hành. Lương quy định bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Đồng thời, rút gọn từ 7 bảng lương xuống còn 5 bảng.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo và lấy ý kiến về những nội dung như báo cáo rà soát chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Dự kiến xây dựng bảng phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị; Xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Chính sách tiền lương đã trải qua 4 lần cải cách (1960, 1985, 1993 và 2003), nhưng vẫn còn nhiều bất cập như chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động; tiền lương trong khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
Vì vậy, cải cách tiền lương từ 2021 là thời điểm cần và đủ để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với năng suất lao động và nâng cao mức sống cho người lao động.