Từ đó đến nay đã 15 năm, từ một khu đất để xây dựng nhà tang lễ theo hướng văn minh hiện đại đã biến thành một dự án BĐS cao cấp theo sự phát triển, đô thị hóa nhanh của khu vực này. Thế nhưng, cũng chính từ việc trở thành dự án đất vàng, trong 11 năm qua dự án Nam Đàn Plaza có số phận hết sức éo le, như một “cái dớp” gắn liền với con đường tù tội của nhiều đại gia địa ốc, và nay là Trịnh Xuân Thanh.
Như báo chí đã đưa tin, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, liên quan đến vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trong đó, liên quan đến PVC, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận đề nghị truy tố ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT PVC) và bảy bị can về tội Tham ô tài sản trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam -PVP Land, công ty con của PVC, liên quan đến những bê bối trong việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Tháng 10/2002, Tp Hà Nội đã có quyết định thu hồi 9.584m2 đất và giao cho công ty Xuyên Thái Bình Dương để làm dự án nhà tang lễ. Đến 2006 Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất này từ dự án Nhà tang lễ thành dự án Nam Đàn Plaza. Năm 2009 Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã duyệt điều chỉnh quy hoạch và phương án thiết kế, đến tháng 11/2009 thì dự án được chấp thuận đầu tư cho Công ty Địa ốc Dầu khí viễn thông.
Để đầu tư vào dự án này, Công ty CP địa ốc dầu khí (nay đổi tên là Công ty CP Đầu tư nhà đất Việt) tiền thân của công ty này chính là PVP Land đã thành lập công ty liên kết với Công ty Xuyên Thái Bình Dương là CTCP địa ốc dầu khí Viễn Thông – chủ đầu tư dự án Nam Đàn Plaza, dự kiến sẽ xây dựng một tổ hợp khách sạn, thương mại và văn phòng 5 sao, trong đó Công ty CP địa ốc dầu khí góp gần 28% vốn điều lệ.
Hồi cuối năm 2009 đầu năm 2010, PVN có chủ trương chuyển các công ty kinh doanh bất động sản của ngành dầu khí về cho PVC quản lý. Đây cũng là thời điểm những bê bối trong việc chuyển nhượng cổ phần tại dự án diễn ra.
Trong việc điều tra vụ án Lê Hòa Bình và đồng bọn lừa bán đất tại dự án Thanh Hà Cienco 5, cơ quan điều tra đã phát hiện ra sai phạm của cựu chủ tịch PVP Land - Đào Duy Phong trong việc giao dịch mua cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Trong vụ xét xử Lê Hòa Bình (chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5) hồi đầu tháng 12/2013, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ Lê Hòa Bình và đồng phạm sử dụng hơn 398,4 tỷ đồng (từ tiền lừa đảo, chiếm đoạt gần 800 tỷ) vào các mục đích khác nhau, trong đó chi 264,2 tỷ đồng để mua 24 triệu cổ phần tại CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.
Liên quan đến Trịnh Xuân Thanh trong vụ việc chuyển nhượng cổ phần ở dự án này, như báo Tiền Phong mới đây đã đưa tin CQĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố Trịnh Xuân Thanh tội tham ô tài sản.
Theo đó, PVP Land khi đó thuộc PVC nắm 50,5% cổ phần tại công ty Xuyên Thái Bình Dương, tương đương 50,5% tại dự án Nam Đàn Plaza. Năm 2010, PVL Land có chủ trương thoái vốn khỏi dự án này.
Khi đó, Lê Hòa Bình muốn mua bằng được dự án Nam Đàn Plaza nên thông qua người môi giới là bị can Huỳnh Nguyễn Quốc Huy để thực hiện thương vụ này. Thái Kiều Hương - nguyên Phó TGĐ Cty CP đầu tư Vietsan (đơn vị nắm 25% cổ phần của Xuyên Thái Bình Dương) cùng Huỳnh Nguyễn Quốc Duy khi đó đã tìm cách để PVP Land thoái vốn.
Nên bà Hương đã đặt vấn đề với Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) nhờ ông Thắng kết nối với Trịnh Xuân Thanh – khi đó Trịnh Xuân Thanh là người nắm quyền quyết định việc thoái vốn của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza.
Cũng theo cơ quan điều tra, sau khi bà Hương gặp gỡ, đặt vấn đề với Trịnh Xuân Thanh tác động tới việc thoái vốn. Báo Tiền Phong đưa tin, cơ quan cảnh sát điều tra thông tin, với cái “gật đầu” của ông Trịnh Xuân Thanh, PVP Land đã bán hơn 50% cổ phần tại Xuyên Thái Bình Dương tương ứng với hơn 50% diện tích tại Nam Đàn Plaza.
Tuy nhiên, diện tích này được bán với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thực tế 52 triệu đồng/m2 dẫn tới thiệt hại hơn 87 tỷ đồng cho PVP Land. Qua đây, các bị can đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng tiền chênh lệch giá, đây là thiệt hại của PVP Land.
Thương vụ thành công, bà Hương đưa cho Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng tiền môi giới, kết nối với Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời, Hương nhờ Thắng chuyển 14 tỷ đồng tiền chênh lệch giá cho ông Thanh.