Vài ngày sau khi chính phủ Trung Quốc đột ngột hạ lệnh chặn đứng vụ IPO lớn nhất trong lịch sử, tập đoàn Ant Group đã mời các chuyên viên ngân hàng đầu tư tới tham dự cuộc họp diễn ra tại 1 trung tâm hội nghị ở Hong Kong.
Có mặt tại căn phòng nhìn ra bến cảng Victoria là những chuyên viên đến từ Citigroup, JPMorgan Chase và Morgan Stanley. Mặc dù vừa mới đau lòng chứng kiến "thương vụ chỉ có 1 lần trong đời" bỗng chốc tan thành mây khói cùng với khoảng 400 triệu USD tiền phí biến mất, họ vẫn nhận được 1 thông điệp tràn đầy hi vọng từ Ant: đừng đánh mất niềm tin.
Trong 1 năm sau – thời hạn đăng ký cho vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant sẽ chính thức hết hạn vào ngày hôm nay (20/10), niềm lạc quan đã gần như biến mất hoàn toàn. Các banker cho biết phía Ant không còn thường xuyên liên lạc với họ như trước. Từng lên tới 300 tỷ USD, định giá của Ant giờ chỉ còn 1/3 con số đó.
Không chỉ có vậy, động thái siết chặt quản lý "gã khổng lồ" fintech mà Jack Ma đã xây dựng nên giờ đã phát triển thành 1 chiến dịch trấn áp bao phủ mọi ngóc ngách của làng công nghệ Trung Quốc vì Bắc Kinh muốn kiềm chế sự thống trị của các tập đoàn tư nhân lớn và theo đuổi mục tiêu "thịnh vượng chung".
Giờ đây câu hỏi mà nhiều người đặt ra là khi nào chuyện này mới kết thúc. Nếu như Ant là 1 chỉ báo, câu trả lời là "không phải bây giờ".
Tương lai mù mịt của Ant Group
Theo Dong Ximiao, nhà nghiên cứu đang công tác tại Viện tài chính internet Zhongguancun, mặc dù đướng lối tái cấu trúc của Ant đã rất rõ ràng, quá trình triển khai rất khó khăn. "Đối với Ant và các nhà đầu tư, tương lai vẫn rất mờ mịt và nỗi đau của họ sẽ không thể sớm kết thúc".
Ant đang đứng trước 1 cuộc đại cải tổ. Siêu ứng dụng Alipay – nơi cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cho 1 tỷ người dùng – đang chuẩn bị chia tách. Kho dữ liệu khổng lồ của Ant sẽ được "mở cửa" cho các đối thủ, đổi lại Ant sẽ thu phí. Nhiều khả năng mảng cho vay tiêu dùng (vốn béo bở nhất) sẽ bị loại ra nếu Ant thực hiện IPO. Tinh thần, ý chí của các nhân viên đang đi xuống trầm trọng.
Một số nhân viên tại trụ sở ở Hàng Châu cho rằng Ant đang bắt đầu trở nên giống với các ngân hàng truyền thống mà cách đây 1 năm Jack Ma từng ví với các tiệm cầm đồ tại 1 hội nghị ở Thượng Hải. Ma cũng cảnh báo những quy định, luật lệ lỗi thời sẽ cản trở sự sáng tạo. Cuối cùng thì chính những lời nói táo bạo này lại khiến ông gặp rắc rối lớn, nguy cơ cả cơ nghiệp tiêu tan.
Theo lời 1 nhân viên, giờ đây tuân thủ pháp luật và các yêu cầu của giới chức đã trở thành ưu tiên hàng đầu tại công ty fintech từng coi việc sáng tạo hơn mọi đối thủ mới là quan trọng nhất. Một vài nhân viên tin rằng "quốc hữu hóa" Ant có lẽ là giải pháp tốt nhất. Đã có những cuộc thảo luận về việc bổ nhiệm 1 đại diện của chính phủ vào ban điều hành của Ant.
Một số nguồn tin thân cận cho biết các lãnh đạo của Ant đang tính toán chia tách gã khổng lồ này thành nhiều liên doanh với các đối tác là công ty quốc doanh. Mặc dù giới chức đã vạch ra lộ trình tái cơ cấu nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến Ant phải chấp nhận "thử và sai".
Theo lộ trình tái cơ cấu, Ant đã nâng vốn lên 35 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,4 tỷ USD) và nhanh chóng xây dựng hệ thống tường lửa cho hệ sinh thái từng cho phép điều hướng traffic từ Alipay sang thẳng các dịch vụ như cho vay tiêu dùng, quản lý tài sản và giao hàng. Lợi nhuận quý II giảm 37% so với quý trước đó, mặc dù trước khi bị trấn áp thì lợi nhuận của Ant tăng hơn 8 lần trong năm 2019.
Dưới đây là một số sáng kiến mà Ant đã hoặc đang dự định thực hiện:
- Được chấp thuận tách 2 mảng cho vay Jiebei và Huabei thành 1 tín dụng tiêu dùng mới với số vốn đăng ký là 8 tỷ nhân dân tệ. Ant sẽ nắm 50% cổ phần ở liên doanh mới, còn lại là các nhà đầu tư quốc doanh. Với số vốn này, tổng dư nợ tối đa của công ty mới sẽ là 266 tỷ nhân dân tệ, con số rất nhỏ so với 1.700 tỷ nhân dân tệ của Ant tính đến tháng 6/2020.
- Giới chức muốn Ant tạo ra 1 app cho vay riêng biệt cho các khách hàng cá nhân, tách hoàn toàn khỏi Alipay
- Người dùng Alipay phải chấp thuận các quy định mới về chia sẻ thông tin lịch sử tín dụng với NHTW trước khi được tiếp cận khoản vay từ Huabei và Jiebei.
- Để tách biệt hoàn toàn các thông tin giao dịch của người tiêu dùng, Ant sẽ chuyển dữ liệu sang 1 công ty chấm điểm tín dụng mới thành lập, liên kết với một vài công ty quốc doanh. Ant sở hữu 35% cổ phần trong liên doanh này. Ngay sau khi được NHTW chấp thuận, liên doanh này sẽ cho phép các đối thủ sử dụng thông tin và thu phí giống như các công ty chấm điểm tín dụng khác đang hoạt động ở Trung Quốc
- Khối tài sản đang được quỹ thị trường tiền tệ Yu’ebao quản lý (đây từng là quỹ lớn nhất thế giới) đã giảm gần 1/3 so với thời điểm cuối năm ngoái, xuống còn 815 tỷ nhân dân tệ tính đến tháng 6 vừa qua.
Từ mục tiêu ban đầu là đưa hoạt động cho vay trực tuyến vào khuôn khổ, giờ đây trọng tâm chú ý của Bắc Kinh đã chuyển sang những nhiệm vụ phức tạp hơn như giảm bớt sự thống trị của các ứng dụng thanh toán (Alibaba và các đối thủ như Tencent kiểm soát tới hơn 90% các giao dịch thanh toán qua điện thoại di động) và đảm bảo dữ liệu người dùng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhân viên chán nản
Chủ tịch Eric Jing, người cũng nắm ghế CEO kể từ khi Simon Hu đột ngột ra đi hồi tháng 3, đã hứa hẹn cuối cùng thì Ant cũng sẽ trở thành công ty đại chúng. Tuy nhiên các nhân viên của Ant đang dần mất hi vọng.
Theo 1 cựu nhân viên mới nghỉ việc, chính sách quyền chọn cổ phiếu không còn đủ hấp dẫn để Ant giữ chân hoặc tuyển dụng nhân tài mới. Mới đây Ant còn thay đổi chính sách mua lại cổ phiếu quỹ, khiến các nhân viên càng khó thu được tiền mặt từ những hợp đồng quyền chọn có giá trị lao dốc nhanh chóng.
Tất nhiên vẫn có nhiều người ở lại. Đầu năm nay Ant đã rút ngắn quy trình thăng chức cho nhân viên cấp cao, và trong bối cảnh cả ngành công nghệ bị siết chặt quản lý thì người lao động cũng không muốn nhảy việc. Gần như mọi ông lớn công nghệ từ Bytedance đến Didi đều lâm vào cảnh tương tự Alibaba.
Tham khảo Bloomberg