Với mức lương thợ điện khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng của mình, ông Rê chưa biết lấy đâu ra 90 triệu đồng để nộp phạt! Mà chẳng riêng gì ông Rê, hàng triệu người sẽ nghĩ rất giản đơn: Bước vào tiệm vàng hay điểm thu đổi nào đó, đưa tờ 100 USD cầm 2,3 triệu đi ra là xong. Chẳng mấy ai biết và dám hỏi tiệm hoặc nơi thu đổi ấy có giấy phép hay không. Trên thực tế, chuyện ấy thường như người ta ra chợ mua rau mua cá.
Một luật sư nói với người viết "Đổi 100 USD được hơn hai triệu đồng mà bị xử phạt 90 triệu, mặc dù đúng về mặt pháp luật nhưng thực sự là chưa hợp lý". Chưa hợp lý đến mức dư luận xôn xao như câu chuyện hài.
Đành rằng quy định nếu vi phạm như ông Rê phải nộp phạt từ 80 đến 100 triệu và ông ấy đã được “xem xét” để ấn định mức 90 triệu nhưng “pháp luật thực tiễn” rất khó chấp nhận người dân phải nộp số tiền quá lớn cho một hành vi không đáng.
Cách đây không lâu, một vụ kiện tranh chấp trong giao dịch ngoại hối giữa hai doanh nghiệp. Trong vụ kiện đó, hai bên doanh nghiệp thỏa thuận giá trị hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng tiền đồng, đây là một cách trao đổi ngoại tệ gián tiếp và vi phạm Pháp lệnh ngoại hối. Tuy nhiên, giao dịch đó sau cùng lại không bị toà án tuyên vô hiệu và họ chẳng bị phạt đồng nào nhưng ông Rê thì mất 90 triệu đồng nếu quyết định trên không thay đổi!?
Luật pháp phải nghiêm minh nhưng hình phạt cũng cần tương xứng. Không thể gộp chung chung trong khung từ 80-100 triệu đồng. Điều đó vừa không sát thực tế, chưa hợp tình và cực kì khó thực thi với những trường hợp như ông Rê. Chỉ có người ít tiền, lâu lâu mới có khoản ai cho tặng mới làm như ông ấy, chứ đại gia hoặc đổi số lượng lớn thì họ đã đến ngân hàng hay dịch vụ đem đến tận nhà.
Giờ đây, 90 triệu đồng đối với người làm công vỏn vẹn 3-4 triệu/ tháng, đó lại là nỗi ám ảnh và chưa chắc gì cơ quan công quyền đã dễ dàng thu được tiền phạt. Mà càng để lâu, càng khó thu và phi thực tế thì sự nghiêm minh của luật pháp càng tổn hại.
Cấm giao dịch ngọai tệ là điều cần thiết với bất cứ quốc gia nào nhưng cần xây dựng những chế tài xử lý, những khung hình phạt với từng hành vi và quy mô giao dịch cụ thể thay vì gộp chung lại trong một quy định xử phạt hành chính như trường hợp ông Rê. Điều ấy cần thiết không chỉ để hợp lý, hợp tình mà còn đảm bảo pháp luật công bằng, nghiêm minh và nhân văn.