Tháng 4/2021, ông Lê Minh Hoan chính thức trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp theo của Việt Nam.
Ngay sau tin vui này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với GS Võ Tòng Xuân - người đã nhiều năm gắn bó với vị Bộ trưởng gốc sông nước này, để trò chuyện về thách thức và cơ hội của nông nghiệp nước nhà trong thập kỷ vừa đối mặt với biến đổi khí hậu, vừa vươn ra thị trường thế giới.
Tháng 4/2021, ông Lê Minh Hoan chính thức trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
//// ////
01.
2.500 đồng/ký lúa và quyết định của vị Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan
Là một người từng gắn bó với Lê Minh Hoan từ khi ông ấy còn là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp, điều giáo sư ấn tượng gì đối với Tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là gì?
GS Võ Tòng Xuân: Đồng chí rất quyết liệt và chịu khó! Ngay từ khi còn là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp, Lê Minh Hoan đã áp dụng rất nhiều mô hình giúp thay đổi nông nghiệp tỉnh.
Khi ấy, tôi rất chú ý tới đồng chí vì cứ hễ ở đâu, tỉnh nào tổ chức hội thảo khoa học, ông ấy đều tìm đến tham dự, không kể xa gần.
Về tỉnh mình, ông đã tập hợp nông dân Đồng Tháp Mười lại thành hợp tác xã, lập tụ điểm cho dân họp bàn kinh nghiệm sản xuất, luôn so sánh mùa vụ của tỉnh với nơi khác để thiết kế không bị trùng lặp khiến giá thành nông sản bị giảm… Ngay khi Nghị quyết "Thuận thiên" số 120 được ban hành, ông Hoan cũng là một trong những người nhanh chóng giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lập các HTX trồng xoài, quýt hồng, đậu nành, đậu phộng,…
Trong đó, phải kể đến thành công lớn nhất là công cuộc giảm chi phí sản xuất lúa từ 4.000 đồng xuống còn 2.500 đồng/ký, tăng lợi tức vô cùng lớn, khiến đời sống nông dân ấm no, không khí vui mừng khắp tỉnh.
Bây giờ, câu chuyện giảm giá sản xuất lúa ấy đang được áp dụng ở rất nhiều tỉnh ở Tây Nam Bộ.
Ngay từ khi còn là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã áp dụng rất nhiều mô hình giúp thay đổi nông nghiệp tỉnh. Ảnh: Người lao động.
02.
Câu chuyện ấy như thế nào?
GS Võ Tòng Xuân: Ban đầu, qua tư vấn của các nhà khoa học, đồng chí Lê Minh Hoan đã hiểu được nguyên lý "nam châm-sắt" của đất và phân bón.
Khi trở về Đồng Tháp, ông lập tức chỉ đạo áp dụng phương thức bón lót, tức bón phân trước khi gieo trồng để tăng năng suất.
Thời điểm đó, nông dân chưa hiểu ý kiến nên lập tức họ phản ứng ngay. Họ bảo, không có cây lúa nào thì bón phân chi cho uổng. Còn có người tin tưởng, nhưng lại làm sai cách, rải phân trên bề mặt khiến tiền mất tật mang nên nhất quyết không thực hiện nữa.
Lúc đó, đồng chí Hoan đã giải thích nguyên lý nằm ở chỗ: chôn phân dưới đất. Khi đó phân sẽ hoà vào đất, không mất đi đâu được mà còn cung cấp thêm dinh dưỡng. Ngược lại rải trên bề đất thì nước, ánh sáng khiến phân bị bốc hơi mất 5-6 phần. Thế là, ông cho dân dặm ngay dưới đất để thời gian giúp phân tan và làm chất dinh dưỡng trước khi trồng.
Đến khi dân gieo xuống, cây lúa ăn đầy đủ dưỡng chất thì phát triển rất tốt. Từ chi phí sản xuất hơn 4.000 đồng/kg, nhờ hạn chế chi phí phân, cây chống sâu bệnh tốt không phải tốn thêm tiền thuốc bảo vệ thực vật, giá sản xuất lúa của bà con nông dân Đồng Tháp giảm xuống còn 3.000 rồi 2.5000 đồng.
Giá sản xuất lúa từ 4.000 đồng giảm xuống còn 2.500 đồng đem lại rất nhiều lợi tức cho nông dân tỉnh. Ảnh minh hoạ.
03.
5000 loại thuốc bảo vệ thực vật và cái mác "Thực phẩm Việt Nam rất bẩn"
Nói như thế thì quả là một tin rất vui đối với nông nghiệp Việt Nam…
GS Võ Tòng Xuân: Đúng là rất vui! Chỉ tính riêng giai đoạn vừa qua, nông nghiệp Việt Nam phải nói hoàn toàn thắng lợi!
Chúng ta đã đạt đúng sản lượng đúng như Đảng và Nhà nước mong muốn, Việt Nam vươn lên thứ hạng rất cao trong số các nước xuất khẩu nông sản cho thế giới, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc…
Dựa trên nghị quyết số 120 thì các tỉnh đã thấy được mong muốn của nông dân. Giờ dẫn đã tự do phá ruộng lúa để trồng cây ăn trái, nuôi cá, nuôi tôm… tăng lợi tức.
Thế nhưng, sản lượng mình đạt nhưng chất lượng thì không!
Thực tế nông nghiệp nước ta chỉ đang ở 30 năm trước của các nước tiên tiến thôi. Đó là tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy đào ao nuôi cá, trồng cây, làm vuông tôm,… Sự quy hoạch không ngay hàng thẳng lối ấy dẫn tới rất nhiều sự hụt hẫng về chất lượng và năng suất, tạo ra nhiều cò mối trung gian, thương lái đẩy giá cả lên cao, trong khi nguồn nguyên liệu thì không đảm bảo.
5000 loại thuốc bảo vệ thực sự và cái mác "Thực phẩm Việt Nam rất bẩn" cần được sửa đổi trong thập kỷ tới.
Trong tương lai, Việt Nam không nên chỉ trông đợi vào thị trường 90 triệu dân nữa, mà còn là ở quốc tế. Thế nhưng bạn biết rồi đấy! Mỗi năm nước ta vẫn nhập hơn 5000 loại thuốc bảo vệ thực vật. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất mặt hàng này.
Nước ta sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng nhất thế giới và cái mác "thực phẩm Việt Nam rất bẩn" đã quá nổi tiếng khiến chúng ta đang sửa sai lại càng thêm khó…
Từ thời của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tôi đã viết một hiến kế gửi ông. Khi đó, nông nghiệp chúng ta chỉ mới manh mún phong trào làm sạch nên đến bây giờ dựa trên di sản đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục kế thừa phát triển sự nghiệp này.
Đó là một thách thức lớn và khó khăn.
Việt Nam cần vượt qua những thách thức khó khăn trong thập kỷ tới
04.
"Với kinh nghiệm đã từng thực hiện ở Đồng Tháp, tôi tin tưởng Tân Bộ trưởng chắc chắn sẽ làm được"
Vậy để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần phải thực hiện những gì trong thập kỷ tới, thưa giáo sư?
GS Võ Tòng Xuân: Thứ nhất, dựa trên kết quả của các nước phát triển, tiêu biểu là Âu Châu thì chúng ta cần phải gắn kết người nông dân, dồn điền để tạo những vùng nông nghiệp diện tích lớn. Ngoài tạo ra nguồn nguyên liệu đồng bộ, nó còn giúp giải quyết vấn đề vận chuyển, cò mối…
Thứ 2, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, lấy sản phẩm thích nghi từng vùng mà tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Đây là một thách thức lớn mà cả ngành nông nghiệp phải đứng ra bảo vệ trước Trung ương Đảng.
Trong đó, mỗi địa phương cần phải hiểu rõ đặc điểm thuận lợi của mình để khai thác hiệu quả. Ví dụ, miền Bắc thay vì trồng lúa thì trồng vải thiều, nhãn lồng, mùa đông thì đánh mạnh vào khoai tây để xuất khẩu vì thời điểm này Âu Châu vừa hết mùa vụ khoai tây… Miền Trung thì trồng mía, nuôi thuỷ hải sản… Miền Tây thì phát triển các loại đặc sản vốn nổi tiếng như vú sữa, măng cụt, sầu riêng, con tôm…
Thứ 3, nhà nước cần tạo ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp có diện tích làm cơ sở chế biến, bảo quản. Từ chỗ đầy đủ thiệt bị sẽ giúp nông sản có độ tươi ngon nhất.
Đồng thời, cần mở cái gói thầu để thương lái, doanh nghiệp tham gia đấu giá, vừa đảm bảo sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn, vừa hợp lý về giá cả. Những chi phí trung gian từ đó được đưa về cho người tiêu dùng một phần, còn lại là nông dân.
GS Võ Tòng Xuân gửi những hiến kế đến Tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ 4, chúng ta phải nhìn nhận thực thế là hàng hoá Việt Nam đang có giá thành trên quốc tế quá cao. Đối với việc cạnh tranh thì đây là điều không tốt, mà phần lớn đều do chi phí logistic Việt Nam đang thuộc top đầu cao nhất thế giới (chiếm tới 20-30% giá trị sản phẩm, trong khi đó Thái Lan chỉ 12%-PV). Điều này cần phải giải quyết nhanh chóng nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cuối cùng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm rất tốt công tác tại tỉnh nhà Đồng Tháp. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải hiểu rằng mỗi người không thể là "ông tiên" để biết hết tất cả mọi thứ. Vì vậy, giống như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng làm, Bộ trưởng cần có một nhóm tư vấn để đưa ra tham luận, quyết định sáng suốt.
Trong thập kỷ tới, việc vừa xây dựng hoàn thiện canh tác đồng bộ trong nước, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, vừa đưa Việt Nam vươn ra thành "cái bếp ăn" của thế giới,… là một thách thức mà theo tôi chỉ có người lãnh đạo mới có thể giải quyết được.
Câu hỏi cuối cùng, ông có niềm tin Tân Bộ trưởng Bộ trưởng Nông nghiệp sẽ thực hiện tốt nhiệm kỳ của mình chứ?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi còn nhớ, chỉ một lần lắng nghe được hoàn cảnh khó khăn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Cây đại thụ của làng âm nhạc tài tử Nam Bộ-PV), đồng chí Lê Minh Hoan đã đứng ra vận động, xây căn nhà đàng hoàng để nhạc sư an hưởng tuổi già.
Với một người suốt đời nặng lòng vì dân như thế thì tôi tin ở vị trí lãnh đạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình.
Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông!
Chân dung ông Lê Minh Hoan tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Nguồn: Tổ quốc.