Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều hoạt động thường ngày, đến các doanh nghiệp và cả người dân. Thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng chung khi hàng loạt mã chứng khoán giảm sâu.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các "phao cứu sinh" nhằm giữ giá cổ phiếu. Một trong những "chiếc phao" mà nhiều doanh nghiệp vừa tung ra thời gian qua là cổ phiếu quỹ.
Theo thống kê, tạm tính sẽ có khoảng 4.000 tỷ đồng "tiền tươi thóc thật" từ các doanh nghiệp dự kiến đổ vào thị trường để mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá, gia tăng giá trị cho cổ đông. Trong số gần 30 doanh nghiệp công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ vừa qua, đã có phân nửa trong số đó đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, công bố ngày đăng ký mua cổ phiếu.
Bên cạnh cái phao cổ phiếu quỹ, một chiếc phao khác cũng đang được quăng ra là việc lãnh đạo các công ty đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu. Đây có thể nói là "chiêu" khá hữu dụng từ trước đến nay.
Thực tế cho thấy, khi các lãnh đạo của doanh nghiệp tung khoản tiền lớn đầu tư vào cổ phiếu đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, phần lớn những thông tin này đã giúp cổ phiếu quay đầu tăng điểm. Bên cạnh tác động tâm lý, thì đây cũng là một hình thức kích cầu trên thị trường.
Mới đây nhất là việc ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long đã chi khoảng 350 tỷ đồng mua 20 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Đồng thời ông Trần Vũ Minh cũng dự kiến đổ tiếp khoản tiền tương đương khi đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu nữa. Dù vậy, thông tin này vẫn chưa đủ sức kéo, giá cổ phiếu HPG vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi dù trước đó đã bắt đầu tăng sau đợt đầu đăng ký mua cổ phiếu của ông Trần Vũ Minh.
Lãnh đạo cao nhất của Cơ điện lạnh (REE), bà Nguyễn Thị Mai Thanh cũng vừa hoàn tất việc chi hơn 400 tỷ đồng mua vào 15 triệu cổ phiếu REE. Trong số 15 triệu cổ phiếu bà Mai Thanh đã mua, phần lớn là giao dịch thỏa thuận với giá 27.750 đồng/cổ phiếu. Còn hiện tại REE tăng nhẹ lên 28.000 đồng/cổ phiếu.
Nhắc đến các lãnh đạo mua cổ phiếu không thể không nhắc đến ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT của Novaland. Từ 11/2 đến 11/3/2020 ông Bùi Thành Nhơn đã chi xấp xỉ 500 tỷ đồng để mua hơn 9,3 triệu cổ phiếu NVL trong tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký. Số còn lại là do chưa kịp hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng.
Ngay sau đó ông Bùi Thành Nhơn tiếp tục đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu NVL. Dự kiến nếu mua đủ, ông Bùi Thành Nhơn sẽ đổ tổng cộng gần 800 tỷ đồng tiền mặt vào thị trường chứng khoán. Đây có lẽ là những thông tin tích cực hỗ trợ, khiến cổ phiếu NVL dù giảm khoảng 12% từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng vẫn là mức giảm khá thấp so với nhiều mã cổ phiếu khác.
Tại Vinamilk (VNM), từ Tổng Giám đốc – bà Mai Kiều Liên, đến các giám đốc điều hành các mảng khác nhau như tài chính, phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, chuỗi cung ứng... đều đồng loạt đăng ký mua cổ phiếu VNM với tổng tiền dự chi khoảng 130 tỷ đồng.
Các lãnh đạo của Thế giới di động (MWG) cũng đồng loạt đăng ký mua cổ phiếu MWG như Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, đến Tổng Giám đốc, Trưởng BKS, kế toán trưởng, Giám đốc tài chính và các thành viên HĐQT cùng người nhà đều đã đăng ký với tổng tiền dự kiến chi ra xấp xỉ 150 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), ông Nguyễn Xuân Quang cũng vừa thông báo đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu NLG. Cùng với đó, ông Châu Quang Phúc, Giám đốc tài chính của công ty, cũng đăng ký mua 150.000 cổ phiếu. Tổng số tiền 2 lãnh đạo này dự cho lên đến khoảng 100 tỷ đồng. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu NLG đã tăng khoảng 1.800 đồng từ vùng giá 18.500 đồng/cổ phiếu lên 20.300 đồng/cổ phiếu như hiện nay, trong đó có 1 phiên tăng trần.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, con gái của Chủ tịch HĐQT Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu PNJ. Trong khi đó Giám đốc khối kinh doanh của công ty cũng đăng ký mua 50.000 đổ phiếu. Tổng giá trị tiền dự kiến 2 cá nhân này chi ra trên 100 tỷ đồng.
Doanh nhân Đặng Thành Tâm, chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc City (KBC) cũng vừa lên tiếng thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu KBC. Đây cũng là động lực giúp cổ phiếu KBC tăng từ mức 10.350 đồng/cổ phiếu lên 11.100 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu KBC trong 6 tháng gần đây.
Việc các lãnh đạo mua cổ phiếu thường tác động tích cực lên giá cổ phiếu, khiến đà giảm bị chặn đứng, thậm chí tăng kích cầu khiến giá cổ phiếu vụt tăng. Trước đó hơn 2 năm, tháng 12/2016 đến tháng 1/2017 khi cổ phiếu KBC giảm mạnh từ trên 18.000 đồng/cổ phiếu xuống khoảng 12.500 đồng/cổ phiếu, ông Đặng Thành Tâm cũng xuống tiền mua.
Cổ phiếu SBT của Thành Thành Công Biên Hòa vừa tăng trần 2 phiên liên tiếp sau chuỗi 3 phiên giảm sàn. Nguyên nhân phần lớn bởi việc ông Đặng Văn Thành thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu SBT. Ông Đặng Văn Thành không còn là lãnh đạo trực tiếp của Thành Thành Công Biên Hòa, nhưng là chồng của bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT công ty. Ông Đặng Văn Thành cũng là người được nhắc tới với danh xung ông vua mía đường, bên cạnh nữ hoàng mía đường là bà Huỳnh Bích Ngọc và Công chúa mía đường là bà Đặng Huỳnh Ức My – con gái ông Đặng Thành Tâm.
Việc "gia đình mía đường" đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu đã tác động mạnh, bên cạnh đó, loạt lãnh đạo khác của công ty như ông Nguyễn Thanh Ngũ – Giám đốc tài chính, ông Huỳnh Văn Pháp – Giám đốc kinh doanh, bà Đoàn Vũ uyên Duyên – Phó Tổmh Giám đố thường trực, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch và bà Dương Thị Tô Châu - Phó Tổng Giám đốc cùng lúc đăng ký mua đã làm cổ phiếu SBT tăng trần 2 phiên liên tiếp. Tổng số tiền các lãnh đạo SBT dự chi lên đến gần 200 tỷ đồng.
Giao dịch cổ phiếu SBT 10 phiên gần đây nhất.
Ngoài ra, còn nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác như Giám đốc điều hành Vietjet (VJC), như các lãnh đạo TTC Land (SCR), như cố vấn cấp cao của xây dựng Hòa Bình (HBC), Chủ tịch HĐQT của TNG, của Thiên Quảng Group (ITQ), TIG, VTC, FIT... cùng thông báo đăng ký mua cổ phiếu của doanh nghiệp mình.
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang phức tạp. Bên cạnh các hoạt động thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đang tích cực giữ giá chứng khoán, tạo nên tâm lý bình ổn cho các nhà đầu tư.
Theo tính toán, trong khoảng hơn 1 tháng vừa qua, các lãnh đạo, người thân đã và sẽ đổ khoảng hơn 2.000 tỷ tiền mặt vào thị trường chứng khoán. Những "chiêu" như cổ phiếu quỹ, những "liều thuốc an thần" như việc các lãnh đạo chi tiền tươi thóc thật đổ vào thị trường chứng khoán đang là những "cái phao cứu sinh" giúp thị trường chứng khoán trụ vững trước những tác động của dịch bệnh Covid-19.