Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và TTBĐS - Bộ Xây dựng cho biết, theo thống kê sơ bộ hiện nay tại các đô thị trong cả nước có khoảng trên 2.500 nhà chung cư cũ (tương đương khoảng trên 3 triệu m2) được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 nghìn hộ dân sinh sống; trong đó Hà Nội có hơn 1.500 tòa, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 500 tòa, Hải Phòng có 205 tòa, các tỉnh như Phú Thọ hơn 20 tòa, Nghệ An hơn 20 tòa, Phú Thọ hơn 60 tòa, Thanh Hóa gần 20 tòa...
Qua rà soát chưa đầy đủ, hiện có trên 600 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (chiếm khoảng 25% tổng số nhà chung cư cũ) cần phải kiểm định để có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại, chủ yếu tập trung tại một số địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An...
"Tính đến nay, cả nước chỉ mới thực hiện cải tạo, sửa chữa được khoảng hơn 10 nhà chung cư, nhiều nhà chung cư đã di chuyển, phá dỡ nhưng cũng chưa thể xây dựng lại do vướng các cơ chế chính sách hoặc do người dân chưa đồng tình thực hiện, do cơ chế ưu đãi chưa cao chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia...", ông Khởi cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi cũng đặt dâu hỏi đặt ra là vì sao vẫn chậm? Phải chăng cấp chính quyền chưa quyết tâm hay họ sợ cái gì? Xét ở góc độ giải pháp, khi nghiên cứu sửa cũng tính lên tính xuống, vừa rồi cũng báo cáo sửa trong năm 2018 nhưng chưa thấy ổn, phải tính toán thêm. Nếu chính quyền không vào cuộc chắc chắn không làm được.
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, có đến 18 doanh nghiệp đăng ký cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội có thể kể đến như như: Việt Hưng, Vingroup, Ecopark, HUD, Vinaconex…. Theo ông Dũng, việc có nhà đầu tư thôi chưa đủ, mà còn tồn tại nhiều vấn đề để làm thế nào cải tạo được chung cư một cách hiệu quả.
Ông Dũng phân tích, một trong những nguyên nhân gây khó khăn lớn nhất đến việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội chính là việc vướng phải một số quy định khống chế về chiều cao và quy mô dân số. Theo đó, khi cải tạo chung cư cũ, Nhà nước thì không có tiền, nếu huy động nguồn lực doanh nghiệp thì bị khống chế về mật độ dân số. Nhà đầu tư sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để có thể cải tạo chung cư.
Theo quy định hiện hành, việc cải tạo yêu cầu phải giữ quy mô dân số hiện hành. Thậm chí, khu vực trung tâm Hà Nội còn được yêu cầu giảm dân số từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người. Ông Dũng chia sẻ cơ chế, chính sách đang gây khó cho việc cải tạo chung cư cũ. ở là khó đặc biệt. Ông ví chung cư cũ như “đặc sản cực kỳ khó khăn, ăn không ngon của Hà Nội”.
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, Hà Nội phải mất 10 năm để vận động được chỉ 50 hộ dân trong nhóm D đến nơi tạm cư. Số còn lại vẫn đang tiếp tục vận động. Do đó, ông Dũng khẳng định việc vận động di dời đến nơi tạm cư đã là khó khăn, chứ chưa nói đến việc cải tạo chung cư. Giai đoạn 2005-2015, Hà Nội mới chỉ cải tạo được 14 chungc ưu cũ. Hiện đang triển khai cải tạo năm. Theo đó còn hàng trăm chung cư cũ trên khắp địa bàn vẫn chưa tìm các tháo gỡ để cải tạo.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng tiết lộ UBND TP. Hà Nội đang xây dựng cơ chế riêng để cải tạo chung cư cũ. Dự kiến đầu 2018 cơ chế này sẽ xây dựng xong: “Chúng tôi có một số nội dung đổi mới. Có một số nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ cần xin phép, như vượt khung về dân số, vượt khung về quy hoạch. Ngoài ra còn có một số thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, của HĐND thành phố, do đó việc cải tạo sẽ cần thực hiện những bước dài", ông nói.