Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2020 vừa qua, có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định cùng 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó. Với các doanh nghiệp, điều này là tín hiệu rất khả quan về cải thiện, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Trong năm 2020, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đây là các văn bản pháp luật quan trọng, tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta. Theo đánh giá tại báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa được công bố, năm 2020, Chính phủ đã soạn thảo và ban hành các văn bản có tính chất thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh. Đây được xem là một trong những điểm sáng của hoạt động ban hành chính sách trong năm nay.
Cụ thể như Nghị định 122 của Chính phủ, theo quy định mới này, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả thống nhất, rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Hay sửa đổi Nghị định 139 về quy định về lệ phí môn bài theo hướng bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng: “Năm 2020, Chính phủ và Quốc hội có rất nhiều cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, sửa đổi nhiều Luật. Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư mới ban hành đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản luôn cần đất đai, nhưng vẫn còn vướng mắc pháp lý về việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất đô thị…”
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra quan điểm, nếu chúng ta cải cách quyết liệt, tạo đột phá về sửa đổi văn bản pháp luật kinh doanh thì có thể đạt tăng trưởng kinh tế 8-9% mỗi năm
“Đại hội Đảng đã nhấn mạnh, đột phá trong cải cách thể chế là tập trung phát triển, hoàn thiện thể chế, phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động phân bổ, sử dụng nguồn lực. Nếu chúng ta làm tốt thì tôi tin chắc chắn rằng hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ được cải thiện rất nhiều. Vì thế, chúng ta có thể đạt tăng trưởng 8-9% mỗi năm là chuyện bình thường, không phải loanh quanh 5-6% như hiện nay” - TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.