Sau 7 năm thực hiện, biểu giá điện bán lẻ hiện hành hiện đang được cho là không còn phù hợp. Vì vậy, Bộ Công thương đề xuất 2 phương án tính giá điện mới.
Chuyên gia đánh giá, biểu giá điện mới có nhiều cải tiến, phù hợp hơn với nguyên tắc dùng nhiều điện phải trả nhiều tiền hơn; tuy vậy, vẫn còn nhiều điều cần làm rõ trong biểu giá điện mới.
Cải tiến là cần thiết
Theo Bộ Công Thương, biểu giá điện này được xây dựng từ năm 2014 đến nay đã không còn phù hợp. Vì vậy, Bộ đề xuất 2 phương án rút cách tính giá điện xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc (rút gọn bậc 1 và 2).
Với phương án 5 bậc của Bộ Công Thương, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100 kWh/tháng nhằm ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ).
Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 - 200 kWh và 201 - 300 kWh; song giá điện cho các bậc từ 401 - 700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ cho các bậc thấp.
Với phương án này, mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh và mức giá cao nhất là 3.356 đồng/kWh.
Với phương án 4 bậc của Bộ Công Thương, sẽ giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu trong khi ngân sách nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 101 - 200 kWh; 301 - 400 kWh và trên 700 kWh. Mức giá cao nhất cho phương án này là 3.076 đồng/kWh.
“Bộ Công Thương nhìn nhận việc giảm số bậc trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có ưu điểm là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Tán thành với việc phải thay đổi biểu giá điện, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, sau 7 năm thực hiện, biểu giá bán lẻ điện hiện hành do Thủ tướng Chính phủ quy định đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện cho việc điều hành giá bán điện công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, giải quyết được nhiều nội dung của chính sách giá điện theo quy định của Luật điện lực, có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng điện.
Tuy vậy, cho đến nay các điều kiện về sản xuất, kinh doanh, cung cầu cơ cấu mức độ tiêu thụ điện năng, thu nhập của người tiêu dùng điện thay đổi và việc thực hiện lộ trình xây dựng, hoàn thiện các cấp độ thị trường điện thì biểu giá bán lẻ điện hiện hành đã xuất hiện những bất cập nhất định.
“Việc đặt ra yêu cầu phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện là cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của quản lý, sản xuất, kinh doanh mà còn cả yêu cầu của dư luận xã hội nhằm mục tiêu: Khắc phục những bất cập của biểu giá bán lẻ điện hiện hành, thực hiện tốt hơn nữa chính sách giá điện; Đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí người dùng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dung điện; Nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm…”, ông Thỏa nói.
Thiệt - hơn?
Với phương án 5 bậc thang đang được bộ Công Thương đề xuất: Những hộ gia đình sử dụng điện dưới 400 kWh/tháng sẽ được trả thấp hơn so với mức giá điện hiện nay. Ngược lại, những hộ gia đình dùng trên 400 kWh và trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả giá cao hơn.
Còn với phương án 4 bậc thang, những hộ gia đình dùng dưới 300 kWh/tháng sẽ được trả giá điện thấp hơn và ngược lại.
“Trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới sẽ được giữ ổn định không thay đổi cho phần lớn khách hàng sử dụng điện. Đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, những người thu nhập thấp sẽ cố gắng làm sao để giá điện không đổi. Và chỉ điều chỉnh giá điện với những khách hàng sử dụng điện lớn", Bộ Công Thương lý giải.
Theo Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, việc sửa đổi biểu giá lần này cho thấy Bộ Công Thương đã tiếp thu được những ý kiến đề xuất, góp ý trước đó, có những điểm khá tiến bộ. Bởi, hai phương án Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đều giúp đa số người dân ít bị tác động, thậm chí còn có lợi so với biểu giá hiện hành.
“Thực tế, đa số người dân sử dụng điện sinh hoạt trong khoảng 200-400 số điện/tháng. Những hộ sử dụng điện từ 400-700 số, hay từ 701 số trở lên, thường thuộc diện thu nhập ở mức trung lưu, có khả năng chi trả. Cho nên, thiết kế bậc cao nhất dành cho các hộ sử dụng từ 701 số điện trở lên là phù hợp”, ông Hà Đăng Sơn phân tích.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính, các thang giá điện hiện nay thay đổi thế nào cũng phải bảo đảm khoảng cách tăng hợp lý giữa các bậc, không chênh lệch quá lớn. Tức là đảm bảo bước nhảy về giá giữa các bậc thang, hạn chế tăng tiền điện vào thời điểm giao mùa, như hè nắng nóng.
“Việc rút ngắn bậc từ 6 xuống 5 hay 4, bậc 3 chưa hẳn là mức tiêu thụ trung bình toàn quốc. Thực tế sẽ có hộ đông người gồm nhiều gia đình nhỏ sống chung. Những hộ này trên chục người thì số điện tiêu thụ nhiều họ sẽ phải trả tiền điện cao, song chưa hẳn họ là những người khá giả. Do đó, tiền điện cao sẽ là gánh nặng tài chính”, ông Thịnh quan ngại.
Còn nhiều điểm cần làm rõ?
Dù đồng tình với phương án càng dùng nhiều thì trả nhiều, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng cần xem xét, xử lý cho phù hợp như “bước nhảy” về giá của các bậc thang để giảm thiểu “bước nhảy” về tiền điện khi chuyển mùa.
“Cơ quan soạn thảo cần rà soát thêm để sắp xếp các “bước nhảy” về giá của các bậc hợp lý hơn theo hướng người dùng càng nhiều thì “bước nhảy” phải lớn hơn người dùng ít, người dùng ở mức trung bình. Việc này vừa để thực hiện mạnh hơn chính sách khuyến khích tiết kiệm điện vừa để hạn chế tiền điện “nhảy” cao khi chuyển mùa cho đại bộ phận người tiêu dùng trong đại bộ phận xã hội”, ông Thỏa lưu ý.
Đồng tình quan điểm này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sửa biểu giá điện phải trên cơ sở thuận tiện, dễ áp dụng và tạo ra khoảng cách giữa các bậc để các mức giá cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
“Tôi cho rằng giá điện nên được tính theo tiêu thụ đầu người, thay vì theo hộ dùng điện và theo lũy tiến bậc thang. Để làm được Bộ Công Thương cần xác định chỉ tiêu biểu giá bán lẻ điện bình quân rõ ràng, minh bạch do đây là cơ sở để tính toán biểu giá bán lẻ điện tới người dân”, ông Thịnh đề xuất.
Còn theo ông Hà Đăng Sơn, Bộ Công Thương nên thể hiện các thông tin đầy đủ hơn, ví dụ tác động đến từng đối tượng khách hàng sử dụng điện. Nếu có thể đưa thêm các thông tin bổ sung khác như số lượng khách, đối tượng khách bị tác động, xem hiện nay họ tiêu dùng ở mức bao nhiêu thì việc góp ý sẽ được chi tiết hơn.
“Các góp ý như của chúng tôi vẫn chỉ là phỏng đoán và lấy lại dữ liệu từ đợt lấy ý kiến năm 2020. Hiện chưa có con số nào khác để so sánh tác động cụ thể đến các đối tượng khách hàng”, ông Sơn lưu ý.
Bộ Công Thương cũng phải nêu được sự cần thiết trong việc bắt buộc phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Cụ thể là các nguyên tắc xây dựng biểu giá (nguyên tắc rút ngắn bậc, nguyên tắc sắp xếp lại bậc thang, nguyên tắc thúc đẩy thực hiện tiết kiệm điện, nguyên tắc xử lý mối quan hệ giữa chi phí và giá của mỗi bậc thang…).
Ngoài ra, Bộ cũng chỉ nên đưa ra một phương án phù hợp nhất với các định hướng và ưu tiên của Chính phủ, thay vì đưa ra hai phương án như trong văn bản lấy ý kiến.
“Với một phương án đề xuất thì chuyên gia, nhà khoa học, người dân, cơ quan ban ngành khác khi góp ý sẽ tập trung hơn”, ông Sơn góp ý.