"Liều chưa chắc đã ăn nhiều, nhưng không liều chắc chắn chả có gì ăn", đó là kinh nghiệm mà anh Hà Huy Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ lại câu chuyện mua nhà của gia đình cách đây hơn 6 năm. Anh Nghĩa thừa nhận: "Chuyện của tôi là may hơn khôn. Nếu nói văn vẻ, đó là quyết đoán. Nhưng nói thật là tôi liều".
Hơn 6 năm trước, khi đứa con được 2 tháng tuổi, tâm lý của một ông bố trẻ muốn vợ con được sống và lớn lên trong 1 ngôi nhà tử tế thuộc sở hữu của mình đã khiến anh Nghĩa nung nấu quyết định: "Phải mua nhà". Nhìn căn nhà trọ lụp xụp, lúc mưa thì dột, ngày hè thì nóng gắt, ông bố trẻ Hà Huy Nghĩa đã quyết định gom cả nhà được 10 triệu đồng, mang đi đặt cọc một căn chung cư. Căn nhà mà anh Nghĩa mua thuộc dự án Gemek 1 (Hoài Đức, Hà Nội) diện tích 75m2, gồm 2 phòng ngủ, trị giá 1,05 tỷ đồng. Số tiền mà vợ chồng anh Nghĩa thiếu là 1,04 tỷ đồng.
Đặt cọc nhà xong, anh Nghĩa mới bắt đầu suy tính tới việc đi vay những ai để đủ khoản tiền đối ứng vì ngân hàng chỉ cho vay tối đa 80% giá trị căn hộ. Để nộp tiền đối ứng, anh Nghĩa vay thêm bạn bè, người thân trong gia đình.
"May mắn là tôi làm trong ngân hàng, nên tôi nhận được sự hỗ trợ của sếp và đồng nghiệp. Tôi được ưu đãi vay ngân hàng trong 25 năm với số vốn lên tới 85% giá trị căn hộ", anh Nghĩa cho biết. Ngoài sổ hồng thế chấp ở ngân hàng, anh Nghĩa còn dùng sổ lương để vay tín chấp, chi trả các khoản phí khác.
Căn nhà mà anh Nghĩa mua.
Kể về cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trong 3 năm đầu, anh Nghĩa bảo: "Siêu áp lực". Tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng dao động 18 triệu đồng/tháng. Ngoài chi phí lãi ngân hàng, vợ chồng anh Nghĩa còn phải lo trả người thân, trả khoản tiền thuê nhà trọ khi chưa được nhận nhà và chi sinh hoạt phí.
Trong suốt 2 năm đợi nhận nhà, anh Nghĩa cho hay, lợi thế là đóng tiền theo tiến độ nên phần trả lãi và gốc có phần dễ thở. Thế nhưng, nỗi lo sợ của cả 2 vợ chồng chính là việc bàn giao nhà chậm. Vì nếu như vậy, gia đình anh Nghĩa vừa phải trả tiền lãi ngân hàng, vừa phải trả tiền nhà trọ.
Đến khi chuyển về nhà mới, vợ chồng anh Nghĩa cũng không có tiền để làm nội thất. Và trung bình mỗi tháng, vợ chồng anh Nghĩa phải trả hơn 4 triệu tiền lãi và gốc vay ngân hàng. "Có thời điểm, hai vợ chồng tôi phải chia nhau 50.000 đồng để đổ tiền xăng. Để tiết kiệm phí sinh hoạt, chúng tôi thường mang cơm đi", anh Nghĩa cho biết.
Ngoài ra, để xoay xở với khoản nợ, anh Nghĩa và vợ còn phải nhận thêm việc để làm. "Mọi người cứ hỏi tôi có đầu tư không, nhưng tiền đâu mà đầu tư khi phải trả nợ lãi hàng tháng", anh Nghĩa cho hay. Dần dần, căn nhà cũng được lấp đầy bằng nội thất đơn giản. Cuộc sống của gia đình anh Nghĩa sau 3 năm trở nên "dễ thở" hơn khi thu nhập 2 vợ chồng tăng.
"Tôi may vì có bạn bè, người thân hỗ trợ. Không phải hoàn toàn là hỗ trợ tiền mà còn là tạo cho mình cơ hội. Nhờ vậy, mà chúng tôi đi qua giai đoạn khó khăn đó", anh Nghĩa chia sẻ.
Nhờ quyết định liều lĩnh và gia đình anh Nghĩa được ở trong căn chung cư rộng rãi, thay vì căn nhà trọ lụp xụp.
Tròn 5 năm sau khi nhận nhà, anh Nghĩa quyết định bán lại căn nhà cũ và lựa chọn mua một căn chung cư khác trong một buổi chiều. Căn nhà cũ mà anh bán thu về được 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản vay, vợ chồng anh Nghĩa còn trong tay 1 tỷ đồng. Anh Nghĩa chuyển hướng sang mua một căn hộ tại Hà Đông.
"Lần này, tôi lại liều và may mắn tiếp. Đúng lúc quyết mua nhà mới thì chứng khoán tăng điểm Khi đó, tôi lại lời chứng khoán được đúng 20% giá trị căn hộ. Nên khi mua căn chung cư mới, tôi chỉ phải vay thêm ngân hàng 20% giá trị căn hộ", anh Nghĩa nói.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Nghĩa cho biết, cuộc sống dù chưa giàu nhưng đã "dễ thở", không còn áp lực tài chính đè nặng.
"Đến giờ, tôi còn chả tin nổi trước đây sao mình liều như vậy. Nhưng khi ấy, tôi không nghĩ nhiều, chỉ biết mua nhà để cho vợ con đỡ phải khổ, ở trong căn nhà trọ lụp xụp. Tôi không dám liều lần nữa nhưng tính tôi lại có đặc điểm: Nói một đằng, làm 1 nẻo. Nên không rõ tương lai, liệu tôi lại có liều thêm thêm không?", anh Nghĩa chia sẻ.