Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, có một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định mang tính chất cấm tại các điều nằm rải rác trong dự thảo luật. Trong đó bao gồm cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22h đến 8h sáng hôm sau, hay cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ.
Vậy tại sao lại phải cấm?
Thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã ở mức báo động ở cả 3 tiêu chí về mức tiêu thụ (đặc biệt là ở nam giới), cả lượng uống tuyệt đối và quy đổi về số lít cồn nguyên chất bình quân đầu người.
Rất nhiều vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng đều bắt nguồn từ bia rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã vô tình lãnh án "tử" không báo trước, thậm chí là gây thiệt hại cho cả những người tham gia giao thông khác.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian gần đây, có tới 65 đến 70% các vụ tai nạn mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Cách đây vài năm, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 10 địa phương. Kết quả cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông do rượu bia chiếm khoảng 40%.
Ước tính mỗi năm, người Việt chi 3,4 tỷ USD cho rượu bia. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, tình trạng sử dụng rượu bia tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông, các vụ án mạng, bạo lực, thậm chí ngộ độc rượu vì uống phải rượu giả, kém chất lượng mà chưa có giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng còn quan ngại, dự thảo quy định không quảng cáo rượu bia từ 19h-21h trên các báo hình, báo nói. Tuy nhiên hiện nay, bóng đá thế giới quảng cáo bia rượu ngay trên áo các cầu thủ rất nhiều.
Ông Định đặt câu hỏi: “Nếu cấm quảng cáo bia rượu như thế này thì người dân sẽ không được xem bóng đá nữa à?".
“Các hãng bia tài trợ cho các đội bóng rất nhiều, tiền quảng cáo được dùng để phát triển các đội bóng, bây giờ mà không cho quảng cáo thì có được hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý việc cấm quảng cáo cũng phải phù hợp với Luật Quảng cáo, Luật Thương mại và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại.
Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên nghĩ đến chuyện cấm quảng cáo rượu bia. Ở các quốc gia khác, người ta cũng đã ban hành lệnh cấm này.
Nhưng việc thực thi quả là khó khăn. Ngành công nghiệp rượu bia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thể thao ở nhiều khía cạnh. Từ việc xây dựng thương hiệu cho các cầu thủ, áo đấu cho đến các bảng hiệu tại sân vận động. Thật khó để nói rằng lệnh cấm này sẽ không ảnh hưởng gì đến việc xem thể thao của người dân.
Ví dụ như trường hợp của New Zealand: Tiến sĩ Nicky Jackson từ Alcohol Health Watch của New Zealand cho biết quảng cáo thể thao là một cách rất dễ dàng để rượu bia tiếp cận với nhiều người. Rượu bia cũng là một nét văn hóa. Tất cả các đội thể thao chuyên nghiệp chủ chốt của New Zealand hầu như đều có nhà tài trợ hoặc đối tác là các công ty rượu. Họ đã làm ăn với nhau nhiều thập kỷ và lệnh cấm sẽ làm lung lay mối quan hệ tốt đẹp đó.
Thường trực Uỷ ban đánh giá lệnh cấm là những giải pháp quyết liệt và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này chưa có tính khả thi cao.