Theo các chuyên gia tài chính, việc yêu cầu khách hàng ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân, thậm chí ký "đã nhận tiền" nhưng chưa được giải ngân là thông lệ khá phổ biến trong ngành ngân hàng (NH).
Khách hàng gánh nợ "khủng"
TAND TP HCM đang xét xử sơ thẩm vụ án bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao HĐQT NH TMCP Đại Tín - TrustBank) cùng đồng phạm "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại cho NH này hàng ngàn tỉ đồng.
Liên quan đến vụ án này, có một số tình tiết mà nhiều chuyên gia tài chính cho rằng cần lưu ý. Từ năm 2010-2012, NH Đại Tín đã giải ngân cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang (Công ty Phương Trang) cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỉ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng số tiền trên sổ sách là 16.486 tỉ đồng. Sau khi Công ty Phương Trang tất toán một số khoản vay thì dư nợ gốc đến ngày 15-11-2017 giảm xuống còn 9.347 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thực tế Phương Trang xác định chỉ thực nhận hơn 3.936 tỉ đồng nên NH không thể đòi nợ, không thể xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay… Vậy số tiền hơn 5.200 tỉ đồng đã được bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo cán bộ, nhân viên "phù phép" như thế nào để bắt khách hàng gánh nợ?
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ NH Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên NH này thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt; thực hiện hạch toán khống trên hệ thống SmartBank; giải ngân các khoản vay nhưng không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho nhóm Công ty Phương Trang. Sau đó, chữ ký khách hàng mới được lấy để hoàn thiện thủ tục...
Đáng lưu ý, bà Phấn đã chỉ đạo buộc Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân, chứng từ nhận tiền mặt; phê duyệt cho vay và giải ngân mà không thông báo cho khách hàng. Sau đó, các chứng từ chi khống được lập và cấn trừ các chứng từ thu khống trên (5.256 tỉ đồng) để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán nhằm che giấu hành vi phạm tội, lấy tiền đó sử dụng cá nhân và đẩy dư nợ khống cho Phương Trang.
Thực tế, từ năm 2012 - khi phát hiện vụ việc, Phương Trang đã tố cáo bà Hứa Thị Phấn và NH Đại Tín lợi dụng việc công ty có nhiều bất động sản và động sản, có nhu cầu vay tiền để đầu tư kinh doanh nên đã buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt. Khi phê duyệt hồ sơ vay, NH Đại Tín không thông báo cho khách hàng, lợi dụng các hồ sơ vay mà Công ty Phương Trang đã ký trước nhưng chỉ giải ngân một phần hoặc có hồ sơ vay nhưng không giải ngân đồng nào…
"Ký nhận trước - giải ngân sau" là thông lệ khá phổ biến trong ngành ngân hàng tại Việt Nam nhưng lại hết sức nguy hiểm, nhất là đối với bên vay tiền. Ảnh: TẤN THẠNH
Rủi ro thuộc về bên vay
Nói về vụ việc giữa NH Đại Tín và Công ty Phương Trang, trưởng ban pháp chế một NH tại TP HCM cho biết các NH thường đặt ra quy trình cho vay, giải ngân, theo dõi công nợ hết sức chặt chẽ. Theo đó, sau khi khách hàng ký nhận giấy vay tiền (khế ước vay), lập tức NH giải ngân bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt đến địa chỉ do bên vay chỉ định. Trường hợp NH giải ngân chưa đủ số tiền cho vay thì khách hàng sẽ không để yên. Đặc biệt, trước khi giải ngân, phần lớn NH đều yêu cầu khách hàng phải ký trước hoặc ký các văn bản liên quan đến điều kiện vay tiền.
Với trường hợp giữa Phương Trang, NH Đại Tín và bà Hứa Thị Phấn, có thể phải có mối quan hệ thân thiết hoặc có một thỏa thuận nào đó trong quan hệ tín dụng thì công ty này mới chấp nhận cho NH giải ngân trước 3.936 tỉ đồng, rồi sau đó bà Phấn mới lợi dụng kẽ hở này, "tự biên tự diễn" hơn 5.200 tỉ đồng còn lại. Bởi về nguyên tắc, với những khoản vay thông thường, NH nào cũng cử cán bộ kế toán, cán bộ tín dụng theo dõi, thông báo cho khách hàng biết số tiền đã vay, số tiền lãi và vốn phải trả cho NH, nên Công ty Phương Trang không thể không biết nếu NH đã thực sự giải ngân…
Theo TS-LS Bùi Quang Tín, Đoàn Luật sư TP HCM, trong trường hợp Công ty Phương Trang ký nhận khế ước vay 9.437 tỉ đồng, theo Thông tư 39 của NH Nhà nước về cho vay, đây là khoản vay từng lần. NH thương mại có thể giải ngân một lần hoặc nhiều lần theo yêu cầu của khách hàng và bên vay phải có trách nhiệm đối với toàn bộ số tiền vay. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Phương Trang không nhận đủ số tiền được thể hiện trong khế ước vay, còn NH Đại Tín lại chuyển số tiền còn lại đến địa chỉ của người khác, cho thấy khoản vay có dấu hiệu thông đồng, gian lận mang tính hình sự. Do đó, ai là bên gian lận, cơ quan điều tra đã có kết luận và trên cơ sở này, tòa án sẽ đưa ra phán quyết công minh.
"Dù việc ký "đã nhận tiền" nhưng sau đó mới giải ngân là thông lệ khá phổ biến trong ngành NH song Luật Các tổ chức tín dụng không quy định rõ điều này nhưng đây lại là chuyện khá phổ biến được các NH áp dụng" - luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia tài chính NH, nhìn nhận. Theo nguyên tắc thông thường, khách hàng là doanh nghiệp ký hợp đồng tín dụng xong, ký nhận khế ước nhận nợ và nhận tiền rồi, NH mới đóng dấu "đã nhận tiền". Song, trên thực tế, NH nào cũng yêu cầu khách hàng phải ký hết các thủ tục, hồ sơ, chứng từ…, sau đó mới tiến hành giải ngân.
Áp dụng thông lệ này vào vụ Công ty Phương Trang và bà Hứa Thị Phấn cho thấy công ty ký vào hồ sơ "đã nhận tiền" nhưng thực chất lại chưa được giải ngân, cơ quan điều tra đã có kết luận và hội đồng xét xử cần làm rõ. Bởi lẽ, nếu đã nhận tiền thật sự thì quá trình này sẽ phải có hồ sơ, bút toán chuyển tiền, chữ ký của người nhận, ghi sổ vào đâu chứ không chỉ đơn thuần là dấu mộc "đã nhận tiền" trên hồ sơ tín dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, một quy trình hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và NH từ khi ký hợp đồng đến giải ngân gồm rất nhiều khâu: ký hợp đồng tín dụng, căn cứ vào hợp đồng sẽ ký nhận nợ, giải ngân cho ai… "Phải có ít nhất 2 bộ phận khác nhau của NH tham gia một hợp đồng tín dụng với NH, từ cán bộ tín dụng, bộ phận kiểm soát, kế toán, ngân quỹ… Do đó, lỗ hổng kiểm soát của NH phải rất lớn mới có thể bị lợi dụng, chiếm đoạt tiền của NH hoặc đẩy nợ khống cho khách hàng vay" - đại diện một NH cổ phần tại TP HCM phân tích.
Lãnh đạo NH muốn sao, cấp dưới làm theo vậy!
Để thực hiện được phi vụ đẩy dư nợ khống hơn 5.000 tỉ đồng sang Công ty Phương Trang, trong NH Đại Tín phải có lỗ hổng quản trị rất lớn. Điều này khá dễ hiểu, bởi bà Hứa Thị Phấn là "tổng đạo diễn" do nắm hơn 83% cổ phần NH này và thao túng toàn diện mọi hoạt động. Tại phiên xét xử hôm 14-5, hầu hết các bị cáo đồng phạm của bà Phấn đều khai nhận làm theo chỉ đạo của thượng cấp.