Một cảm biến bị lỗi trên máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air lao xuống biển vào tháng 10/2018 được phát hiện từng được sửa chữa tại một công ty bảo dưỡng máy bay ở Mỹ, Bloomberg dẫn nguồn từ các tài liệu điều tra vụ tai nạn cho biết.
Các nhà điều tra tại Indonesia và Mỹ đang tiến hành kiểm tra việc sửa chữa của công ty có trụ sở tại bang Florida trên thiết bị cảm biến góc tấn (angle of attack) của chiếc máy bay gặp nạn, theo tài liệu chuẩn bị trình lên Quốc hội Indonesia.
Báo cáo sơ bộ của các nhà điều tra Indonesia cho biết những tín hiệu sai lệch từ cảm biến này đã khiến hệ thống điều khiển tự động hiểu lầm và liên tục làm máy bay chúi mũi trong chuyến bay định mệnh ngày 29/10/2018. Các phi công đã phải vật lộn với tình trạng này cho đến khi máy bay lao xuống biển Java, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn.
Vụ rơi máy bay của Lion Air và vụ tai nạn cũng trên một máy bay Boeing 737 Max của hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3 đã khiến dòng phi cơ này bị đình bay tại hàng chục nước trên toàn cầu và dấy lên làn sóng phản đối nhằm vào các nhà quản lý hàng không Mỹ. Các nhà điều tra đã tập trung xem xét vai trò của cảm biến trên trong cả 2 vụ tai nạn.
Theo tài liệu Bloomberg có được, công ty đã sửa chữa cảm biến trên có tên là XTRA Aerospace Inc., đặt tại Miramar, Florida. Cảm biến này sau đó đã được lắp đặt trên máy bay 737 Max của Lion Air vào ngày 28/10/2018 tại Bali, một ngày trước vụ tai nạn. Trước đó, các phi công của hãng này đã báo cáo gặp vấn đề với công cụ hiển thị tốc độ và tọa độ của máy bay. Theo Bloomberg, không có dấu hiệu nào cho thấy công ty XTRA đã thực hiện bảo dưỡng cảm biến trên máy bay của hãng Ethiopian Airlines.
"Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới tất cả những người mất đi người thân trong các vụ tai nạn trên máy bay 737 Max 8 gần đây", XTRA Aerospace, thuộc công ty Wencor Group LLC, cho biết trong một thông cáo. Công ty này cho biết "cam kết hết sức hỗ trợ các cuộc điều tra".
Nurcahyo Utomo, trưởng ban điều tra tại Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC), cho biết Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã tiến hành đánh giá việc sửa chữa của XTRA trên cảm biến nhưng chưa đưa ra báo cáo về kết quả điều tra.
Cảm biến trên được sản xuất bởi Rosemount Aerospace Inc., có trụ sở tại Minnesota, một công ty con của United Technologies Corp. United Technologies từ chối đưa ra bình luận về cuộc điều tra.
Theo báo cáo sơ bộ của NTSC về vụ tai nạn, cảm biến góc tấn trên máy bay đã không hoạt động kể từ sau khi được sửa chữa và lắp đặt trở lại.
Cảm biến góc tấn, hoạt động như cánh gió ở thân máy bay, được thiết kế để đo hướng gió thổi so với thân máy bay và cảnh báo phi công nếu mũi phi cơ đang hướng mũi quá cao - tình trạng có thể gây ra sự cố mất lực nâng cánh (stall).
Trong các trường hợp của Lion Air, cảm biến ở thân trái nhận diện mũi máy bay hướng lên cao hơn khoảng 20 độ so với thực tế. Việc đọc sai thông số này khiến hệ thống máy tính cho rằng máy bay có nguy cơ hướng mũi quá cáo, vì vậy cố gắng kéo mũi xuống. Tình trạng này xảy ra trên chuyến bay gặp nạn và một chuyến bay trước đó, báo cáo sơ bộ dẫn thông tin từ hộp đen vớt được từ hiện trường rơi máy bay cho biết.
XTRA Aerospace được cấp phép bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho hoạt động sửa chữa trên nhiều dòng máy bay của Boeing và Airbus, thông tin trên website của công ty này cho biết.
Theo John Goglia, cựu thành viên của NTSB, việc các cơ sở được cấp phép sửa chữa các bộ phận máy bay cũ để bán lại là khá phổ biến. Các hãng hàng không có thể tiết kiệm tiền bằng việc mua lại linh phụ kiện đã qua sử dụng và theo quy định của Mỹ, các bộ này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về pháp lý, Goglia nói.
Báo cáo sơ bộ của Indonesia không nói rằng cảm biến của máy bay gặp nạn có vấn đề, n nhưng cho biết công tác bảo dưỡng máy bay là một trong những trọng tâm của cuộc điều tra.
Ngoài ra, kể cả khi cảm biến không được sửa đúng cách hoặc bị hư hại trong quá trình vận chuyến, vấn đề này sẽ phải được phát triện khi nó được lắp đặt lên máy bay, Charles Horning, chủ tịch Khoa Khoa học Bảo dưỡng Hàng không, thuộc Đại học Embry-Riddle Aeronautical ở Daytona Beach, Florida, cho biết. "Chắc chắn phải có quá trình kiểm tra sau khi lắp đặt cảm biến".