Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, thực tế, luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng, tuy nhiên, việc bảo vệ và quản lý những cây đào rừng còn chưa được quan tâm đúng mức.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết.
Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý.
Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, cần thiết phải kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, đào cổ thụ mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày Tết của một bộ phận người dân để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của nhiều địa phương, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.
Những năm gầy đây, đào rừng được nhiều người chọn mua để chơi vào dịp Tết Nguyên đán |
“Thực tế, trong luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng, tuy nhiên, việc bảo vệ và quản lý những cây đào rừng còn chưa được quan tâm đúng mức”, ông Tuấn khẳng định.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn thừa nhận, vài năm gần đây, nhu cầu chơi đào rừng vào ngày Tết của người dân tăng cao. Để sở hữu được những cành đào rừng đẹp, nhiều người không ngần ngại trả mức giá rất cao nên đào rừng ở vùng Tây Bắc có nguy cơ bị tận diệt.
Theo ông Tuấn, để hạn chế vấn đề này, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp Tết Nguyên đán phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm.
Đặc biệt, nếu chính nếu chính quyền địa phương vào cuộc sát sao, tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày Tết thì ông tin những cây đào rừng sẽ được bảo vệ, tỏa sắc làm đẹp cho núi rừng.
T.A