Theo hãng tin Bloomberg, việc Elon Musk đổ tiền vào Bitcoin bao hàm nhiều ý nghĩa, từ chiến lược marketing cho đến tăng giá trị tài sản bản thân. Thế nhưng, động thái này lại đi ngược với một trong những mục đích cơ bản của Elon Musk khi sáng lập ra hãng xe điện Tesla, đó là bảo vệ môi trường.
Tất cả mọi người đều hiểu đào Bitcoin tốn rất nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường. Những máy đào Bitcoin ngốn điện năng rất nhiều để giải các phương trình toán học, xác nhận mã giao dịch để nhận lại một lượng tiền ảo làm công. Một số tính toán cho thấy tổng lượng tiêu thụ điện của các máy đào Bitcoin trên thế giới tương đương với toàn bộ lượng điện năng sử dụng của Phần Lan.
Rất không may là chẳng có mấy thợ đào Bitcoin ở Phần Lan khi quốc gia này rất coi trong việc bảo vệ môi trường. Bởi vậy các thợ đào Bitcoin tìm đến những quốc gia như Trung Quốc để đặt máy đào. Hơn nữa, giá điện tại cường quốc Châu Á này cũng khá rẻ, chỉ bằng một nửa Phần Lan theo nhiều ước tính.
Hiện nay hơn 2/3 số máy đào Bitcoin là ở Trung Quốc dù quốc gia này cấm giao dịch bằng đồng tiền ảo trên. Thật không may, đốt than đá cho nhiệt điện lại là nguồn cung ứng năng lượng chính nơi đây, góp phần lớn vào việc ô nhiễm môi trường lẫn không khí.
Hiện đại và hại điện
Tương tự như việc Bitcoin gây ô nhiễm môi trường, ai cũng hiểu rằng dùng xe điện giảm khí thải nhà kính hơn so với xe xăng. Tại Trung Quốc, một chiếc xe điện thải khí thải nhà kính ít hơn bình quân 38% so với xe xăng. Thế nhưng nếu dùng Bitcoin để mua xe điện thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Với việc Bitcoin tăng giá sau những tuyên bố của Tỷ phú Elon Musk, người ta sẽ càng đào tiền ảo nhiều hơn và càng tốn điện năng cũng như ô nhiễm môi trường hơn. Theo thống kê của Blockchain.com, số lượng máy đào Bitcoin đã tăng tới 60% trong năm vừa qua.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là Bitcoin không hề được sử dụng rộng rãi hay nằm trong tay nhiều người để phục vụ mục đích tốt hơn nhưng những gì Tỷ phú Elon Musk hướng tới. Khoảng 95% số Bitcoin hiện nay nằm trong tay chưa đến 3% số tài khoản được mở. Điều này đặt ra nghi vấn sự tăng giá của Bitcoin không gì hơn một sự đầu cơ thay vì được công nhận như một phương án thanh toán thay thế.
Thậm chí theo Bloombeg, nhiều nhà đầu tư có máu cờ bạc đổ tiền vào đây chỉ để mong kiếm lời mà chẳng quan tâm đến giá trị thực sự của blockchain.
Theo ước tính của Bank of America (BofA), giá Bitcoin sẽ tăng khoảng 1% với mỗi 93 triệu USD đổ vào thị trường. Trong khi đó để tăng 1% giá vàng, số tiền cần đổ vào lên đến 2 tỷ USD.
Quay trở lại câu chuyện của Tesla, việc đổ 1,5 tỷ USD vào thị trường của Elon Musk khiến giá Bitcoin tăng mạnh từ 40.000 USD lên 60.000 USD. Ngoài việc tăng giá trị tài sản cho bản thân, chính nhà sáng lập của Tesla cũng khiến môi trường ô nhiễm hơn dù luôn miệng muốn bảo vệ trái đất.
Các tính toán của BofA cho thấy với mỗi 1 tỷ USD, giá Bitcoin sẽ tăng khoảng 11%, tương đương với việc kích thích các máy đào và thải thêm ra 5,4 triệu tấn khí thải nhà kính ra môi trường. Như vậy 1,5 tỷ USD của tỷ phú Elon Musk tương đương với 8,1 triệu tấn khí thải nhà kính. Con số này tương đương với lượng khí thải tiết kiệm được của 238.000 xe điện ở Mỹ trong suốt vòng đời sử dụng.
Xin được nhắc là trong năm vừa qua, lượng Models 3S mà Tesla sản xuất tại Mỹ còn chưa đạt con số này.
Tồi tệ hơn, nếu một người bỏ 55.000 USD bằng Bitcoin để mua Model 3S từ hãng Tesla thì lượng khí thải nhà kính để đào ra lượng tiền ảo này đạt tới 300 tấn, nhiều gấp 9 lần lượng tiết kiệm khí thải nhà kính mà chiếc xe đó tự quảng cáo trong suốt vòng đời.
Vậy đấy, một ý tưởng công nghệ nhằm giúp đỡ loài người cũng như bảo vệ môi trường hóa ra lại chẳng sạch như mọi người vẫn nghĩ.