Lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa đối với thuế, còn lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân được công bố công khai minh bạch.
Công khai, minh bạch
Phản hồi về kiến nghị liên quan tới thuế, hải quan, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói, liên quan đến sửa thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh thuế với đồ uống có gas, Bộ Tài chính đang sửa đổi 6 luật thuế và đây là 1 trong những nội dung được đưa ra lấy ý kiến, kinh nghiệm nhiều nước cũng đã đánh thuế loại đồ uống này.
Bà Mai cho biết sẽ tiếp thu, xem xét kiến nghị từ diễn đàn.
Ghi nhận những ý kiến cải cách hành chính về thuế, hải quan, bà Mai khẳng định, Bộ Tài chính cam kết cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này.
Thông tin mới từ vị thứ trưởng là ngày 11/12 đã công bố hải quan tự động tại cảng biển, giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp. Năm 2018 sẽ triển khai tại các cảng biển trọng điểm và sẽ mở rộng tại cửa khẩu hàng không, đường bộ.
Về kiểm tra chuyên ngành, theo bà Mai thì Bộ Tài chính đang được giao chủ trì và đang xây dựng nghị định về kiểm tra chuyên ngành, pháp luật hoá các nội dung cải cách mà Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo với mục tiêu giảm hàng rào phi thuế quan các FTA mà Việt Nam tham gia. Hiện nghị định này đã được xin ý kiến rộng rãi và sớm được ban hành.
Thứ trưởng Mai khẳng định: "tinh thần của Bộ Tài chính là chính sách công khai, minh bạch, bình đẳng, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp".
Minh bạch là yêu cầu của doanh nghiệp
Trao đổi về kiến nghị của nhóm điện, năng lượng, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết, hiện cơ quan này đang thực hiện chính sách phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh thu hút FDI và nâng cao hiệu quả ngành điện thì giá bán điện cần phản ánh được các chi phí kinh doanh điện, đảm bảo chỉ tiêu về tài chính để đảm bảo nhà đầu tư cho vay.
Hiện Thủ tướng đã quy định khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân, được công bố công khai minh bạch. Thủ tướng cũng đã có quyết định 34 về khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân 2016 – 2020, ông Hải thông tin.
Liên quan tới kiến nghị minh bạch giá điện, ông Hải khẳng định, đây là yêu cầu của các đối tượng trong đó có doanh nghiệp nội địa, nước ngoài và người dân Việt Nam. Để xác định tăng giá điện có Tổ công tác với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và Hiệp hội như VCCI, Vinatas... Sau khi có kết quả đánh giá giá điện để có thể đề xuất tăng hay không thì còn có kiểm toán của cơ quan độc lập quốc tế.
Ví dụ xem xét việc tăng giá điện vừa rồi có sự tham gia kiểm toán độc lập của Deloitte trước khi trình phương án đề xuất tăng lên cấp có thẩm quyền, ông Hải hồi âm các nhà đầu tư.
Kỷ cương, liêm chính
Cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng là vấn đề được các nhà đầu tư đặt ra tại diễn đàn.
Ông Đỗ Nhất Hoàng , Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau sửa đổi đã rút còn 243/267 ngành nghề có điều kiện kinh doanh và tới đây sẽ rà soát lại để tránh trùng lắp, sửa trong đợt bổ sung, sửa đổi luật tới đây.
Về phản ánh doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư tại địa phương yêu cầu phải có vốn tối thiểu, ông Hoàng khẳng định, chỉ các ngành nghề ngân hàng, bất động sản... quy định vốn tối thiểu còn các quy định khác không quy định vốn tối thiểu.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu cần cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh hơn thời gian tới. Chính sách pháp luật cần đảm bảo thực thi minh bạch, rõ ràng, liêm chính, phù hợp với các cam kết Việt Nam tham gia.
Hôm qua Thủ tướng, thường trực Chính phủ đã nghe dự kiến về chủ đề kinh tế năm 2018 là kỷ cương, liêm chính, tranh thủ thời cơ, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. Trong đó kỷ cương, liêm chính là vấn đề đặt lên đầu tiên, ông Dũng cho biết.
Bộ trưởng Dũng nói, các ý kiến thảo luận hôm nay sẽ được tổng hợp, kiến nghị trình Thủ tướng xem xét, giải quyết thời gian tới.