Quy định mới này không cho phép người dân sử dụng các loại ống hút nhựa trên chính “quê hương” của chúng, một đồ vật vô vùng đơn giản nhưng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Mỹ.
Trong thế kỷ trước, hàng triệu ống hút được sản xuất tại Stone Straw Building, một tòa nhà không mấy nổi bật xây bằng gạch vàng nằm giữa khu dân cư, và đang được sử dụng làm trụ sở cảnh sát giao thông của thành phố Washington.
Dấu hiệu duy nhất để nhận ra được tính lịch sử của tòa nhà chính là tấm bảng tưởng niệm Marvin C. Stone- “Cha đẻ của ống hút giấy”, gắn trên bức tường, ngay trên một thùng rác.
Theo mọi người kể lại, Stone bắt đầu định cư ở Washington sau khi ông bị thương trong lúc chiến đấu ở phe Liên minh thời Nội chiến. Ý tưởng sáng tạo ra ống hút giấy chợt lóe lên trong đầu ông vào một buổi tối khi ông đang nhâm nhi một cốc rượu ưa thích - whiskey lạnh pha bạc hà.
Ảnh: AFP.
Vào thời điểm đó, mọi người sử dụng ống hút được làm từ cỏ dại. Stone tỏ ra khó chịu đối với phần bã của những loại ống hút này bởi chúng làm giảm chất lượng của đồ uống.
Do đó, ông sử dụng máy cuốn vỏ thuốc lá, uốn giấy xung quanh một trục tròn giống bút chì, dán mép giấy bằng sáp và sau đó tháo trục ra.
Ông đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm vào năm 1888 với mục tiêu tạo ra sản phẩm “rẻ, bền và là sự thay thế tất yếu cho ống hút tự nhiên thường được dùng trong đồ uống cũng như uống thuốc”. Phần tiếp theo đã được thời gian trả lời.
1,5 thế kỷ sau, nơi Stone từng sinh sống, đã trở thành thành phố lớn thứ 2 tại Mỹ - sau Seattle, thực hiện lệnh cấm ống hút nhựa, sản phẩm có thể coi là thế hệ “con cháu” của ống hút giấy.
Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1 nhưng được ân hạn đến ngày 1/7 nhằm giúp các nhà hàng cũng như doanh nghiệp có thời gian thích ứng với quy định mới.
“Rât nhiều đơn vị kinh doanh vẫn đang sử dụng ống hút nhựa mà chưa xây dựng chiến lược thay thế”, theo Kirk Francis, quản lý nhà nhà hàng Tastemakers, nằm trong nhà máy sản xuất nước xốt cũ ngay cạnh Stone Straw Building.
Tòa nhà Stone Straw Building. Ảnh: AFP.
Người doanh nhân trẻ mang trong mình khát khao cải thiện môi trường phải đối mặt với câu hỏi khó khi cho ra đời “Captain Cookie and the Milk Man” 2 năm trước. Đó là một chiếc xe bán đồ ăn chuyên về các sản phẩm bánh và sữa.
“Làm sao chúng ta có thể uống một cốc sữa lắc mà không dùng ống hút?”.
Anh đã từng thử chế tạo các loại ống hút bằng kim loại, giấy dễ phân hủy, thậm chí là nguyên liệu có nguồn gốc từ rau. Tuy nhiên những sản phẩm này thường đắt hơn hoặc mỏng hơn so với ống hút nhựa. Và anh vẫn chưa tìm ra “phương án tối ưu nào”.
Kirk cho biết phần lớn khách hàng của anh không tỏ ra mấy quan tâm đến vấn đề đó. “Khách hàng cần một loại ống hút hữu dụng là đủ”.
Do đó, việc khuyến khích mọi người từ bỏ các sản phẩm ống hút là điều không hề dễ dàng. Ống hút đóng một vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa của người Mỹ kể từ khi chúng được quảng cáo là một phương pháp vô cùng hữu hiệu trong ngăn chặn phát tán bệnh tật khi hai hay nhiều người cùng sử dụng chung một cốc nước tại các vòi nước công cộng.
Một người Mỹ khác, Joseph Friedman, đã cải tiến phát minh của Stone vào những năm 30 của thế kỷ trước, sau khi chứng kiến con gái loay hoay với một cốc sữa lắc. Thay đổi của ông, ống hút có thể gập, dần trở nên phổ biến cùng với những sản phẩm nổi tiếng trong văn hóa của người tiêu dùng Mỹ như thức ăn mang đi, đồ uống nhiều đá.
Lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa là một bước khởi đầu mang tính biểu tượng, Sarah Perrin, khách hàng của Tastemakers, cho biết khi đang đi mua sắm với con. Cô con gái 5 tuổi của cô đang sử dụng ống hút nhựa để uống nước ép hoa quả trong một chiếc cốc nhựa, đậy bằng nắp nhựa.
“Nếu không có ống hút, cháu sẽ làm vung vãi hết đồ uống mất”, cô cho biết.
“Việc cấm sử dụng ống hút nhựa xuất phát từ một ý định tốt, nhưng những người tàn tật hay trẻ em sẽ ra sao?", Perrin đặt câu hỏi. “Điều đó có thể giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn, nhưng liệu nó có thể tạo ra sự khác biệt đối với môi trường nếu như chúng ta không nhắm vào các tập đoàn lớn?”.
Collin Odell ngồi với chó cưng trên bậc thang dẫn vào nhà hàng, với tầm nhìn thẳng ra nhà máy cũ của Marvin Stone. Anh cũng đang sử dụng ốc hút nhựa để uống nước ép ổi trong cốc đầy đá.
“Nó đi liền với đơn hàng của tôi” anh cho biết.
“Tôi sẽ hoàn toàn tuân thủ lệnh cấm nếu như điều đó giúp giảm lượng rác thải không lồ trong các đại dương”, anh chia sẻ thêm.
Odell cho biết anh nhìn thấy ít ống hút nhựa hơn trong thành phố. Nhưng đó không phải là điều xảy ra trên phạm vi quốc gia Mỹ.
“Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi đi ra các bang khác và được phục vụ đồ uống trong các cốc đựng làm từ bọt Styro”, một “nỗi ám ảnh” khác đối với người dân Mỹ.