Thời gian gần đây, nông dân trồng cam sành ở miền Tây, đặc biệt là Vĩnh Long và Trà Vinh , đang phải đối mặt với tình trạng giá cam giảm mạnh, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trả lời Báo điện tử VTC News, anh Phan Văn Thoại, một nông dân trồng cam tại Trà Ôn (Vĩnh Long), cho biết, với mỗi công đất trồng cam, anh đầu tư khoảng 120 triệu đồng. Thời điểm tốt nhất, anh thu hoạch được 10 tấn cam với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, giá cam liên tục đi xuống và hiện ở mức đáy, chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg, khiến anh phải chịu cảnh thua lỗ triền miên.
“Mỗi công đất trồng cam tôi đầu tư hết khoảng 120 triệu đồng, chăm tốt thì thu hoạch được 10 tấn cam. Với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg thì coi như mất trắng luôn 100 triệu đồng rồi” , anh nói.
Tương tự, ông Hồ Văn Hải, ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh ), cũng không thoát khỏi cảnh bi thảm. Ông Hải bỏ chi phí đầu tư cho 1 ha cam năm đầu lên tới 600 triệu đồng. Để hòa vốn, giá cam cần phải trên 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, giá hiện tại giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, mà thương lái cũng chỉ mua cầm chừng.
“Năm nay, ngay từ đầu mùa giá cam đã giảm xuống khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại cam loại 1 chỉ còn 2.000 đồng/kg mà thương lái cũng mua nhỏ giọt” , ông nói.
Theo ông Hải, nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm giá cam là do diện tích trồng cam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, dẫn đến cung vượt cầu. Sản lượng cam ở Trà Ôn đã tăng từ 100-200 nghìn tấn/năm lên đến 500 nghìn tấn/năm.
“Cam chủ yếu tiêu thụ nội địa, trong khi thị trường tiêu thụ lại hạn chế, dẫn đến tình trạng ứ đọng” , ông buồn bã nói.
Ngoài ra, việc tiêu thụ cam chỉ tập trung ở Hà Nội và miền Bắc, trong khi miền Trung và miền Bắc cũng đang vào vụ thu hoạch cam, bưởi và các loại cây có múi khác, càng khiến giá cam càng giảm sâu hơn.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Ôn, giá cam hiện tại dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg cho các hộ dân trồng dưới 10 công đất. Một số diện tích cam của doanh nghiệp không được chăm sóc đúng cách, dẫn đến quả xấu và giá chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg.
Sự phát triển ồ ạt của diện tích trồng cam trong bối cảnh thị trường tiêu thụ hạn chế cho thấy cần có sự quy hoạch và định hướng cụ thể cho ngành trồng cam. Việc tăng cường tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu , cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm là những giải pháp cần thiết để ổn định giá cam và hỗ trợ người trồng.