Thị trường dầu mỏ đứng trước nguy cơ hỗn loạn
Trong khi dầu thô Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường dầu của Mỹ nhưng nếu Nhà Trắng ban bố lệnh cấm vận lên dầu mỏ của Nga, nó sẽ gây ra một tác động khủng khiếp đến giá năng lượng khi nhiều nước có thể sẽ theo chân Mỹ áp đặt các biện pháp tương tự.
Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang loay hoay giữa việc làm sao để đáp lại những sức ép ngày càng tăng từ lưỡng đảng trong việc trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhưng không làm tăng giá dầu, vốn đã ở mức rất cao trong những ngày vừa qua.
Trao đổi với các phóng viên hôm 4/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Chính quyền đang "xem xét một loạt các lựa chọn" nhưng không muốn làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu hay làm tăng giá xăng dầu.
"Như chúng ta đã biết, nền kinh tế Mỹ không nhập khẩu nhiều dầu của Nga. Nhưng chúng tôi đang xem xét các phương án trong trường hợp chúng tôi giảm mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ có liên quan tới Nga. Điều thực sự quan trọng nhất là chúng tôi phải duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu một cách ổn định", bà Psaki nói.
Tuy nhiên, phía Mỹ cũng nhấn mạnh tình trạng giá dầu tăng cũng như tác động tới giá khí đốt là những yếu tố mà Mỹ sẽ tập trung vào.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho biết trong điều kiện giấu tên rằng Mỹ sẽ không ngăn chặn các quốc gia khác mua dầu của Nga trong trường hợp họ áp dụng lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Thay vào đó, Mỹ sẽ chỉ tìm cách hạn chế những gì mà họ mua từ Nga.
Hiện tại, nhiều nhà kinh doanh dầu mỏ quốc tế đang né tránh mua dầu của Nga. Một người nói rằng giá dầu Nga đang thấp hơn từ 25 đến 30 USD/thùng so với các loại dầu tương tự của nước khác. Khoảng cách giá đó có thể tăng lên nếu Nga hết chỗ chứa dầu. Tuy nhiên, ngay cả khi chiết khấu từ Nga rất cao, giá dầu thô Brent toàn cầu vẫn đạt 118 USD/thùng.
Robert McNally, chủ tịch của Rapidan Energy Group – một công ty tư vấn, cho biết: "Lệnh cấm của Mỹ đối với dầu nhập khẩu từ Nga sẽ không tạo ra khác biệt lớn trong triển vọng cung-cầu toàn cầu. Nga chiếm khoảng 3% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ vào năm 2020.
"Nga sẽ bán dầu thô và các sản phẩm dầu khác, lượng mà Mỹ nhập khẩu, cho các nước khác. Trong khi đó, Mỹ có thể mua ở một nơi khác. Tuy nhiên, các nhà buôn sẽ nhìn vào Mỹ và tự hỏi đâu là bước tiếp theo. Có thể nói, Mỹ trừng phạt dầu của Nga sẽ giống như một quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn", McNally nói.
Những lo ngại đó là hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, Shell, một công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã tuyên bố sẽ rút khỏi các liên doanh với Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga cũng như đường ống Nord Stream II. Họ cũng tuyên bố đã ngừng "hầu hết các hoạt động liên quan đến dầu Nga.
Một người phát ngôn của Shell cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch giảm hơn nữa việc sử dụng dầu Nga khi có các nguồn cung thay thế". Tuy nhiên, chính Shell cũng thừa nhận rằng tìm những nguồn cung khác là vô cùng thách thức trong thời điểm hiện nay.
Những toan tính chính trị đằng sau áp lực cấp nhập dầu Nga
Ở Đồi Capitol, các nghị sĩ Cộng hòa là những người đầu tiên khởi xướng việc cấm nhập khẩu dầu Nga. Để bù đắp, họ cho rằng nên tăng sản lượng dầu và khí đốt trong nước, ý kiến mà ngay cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng đã ủng hộ. Tuy nhiên, điều này dường như đi ngược lại với sáng kiến khí hậu của Chính quyền Biden. Trước đây, ông Biden đã giảm nguồn cung từ dầu của Mỹ để theo đuổi các loại năng lượng sạch hơn.
Áp lực lên Chính quyền Biden còn tăng hơn nữa khi vài ngày trước, một nhóm gồm 18 nghị sĩ lưỡng đảng đã yêu cầu cấm thẳng thừng việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Nó được đẫn đầu bởi Nghị sĩ Joe Manchin III, một người Dân chủ và Lisa Murkowski, một người Cộng hòa. Cả hai đều là thành viên Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của Thượng viện Mỹ.
"Đây là thời điểm để nước Mỹ vươn cao. Thế giới phụ thuộc vào chúng ta. Năng lượng đã được vũ khí hóa và về cơ bản, chúng ta có khả năng chống lại vũ khí đó", ông Manchin nói trong một cuộc gặp với báo chí.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Dân chủ cho rằng cấm nhập khẩu dầu Nga chính là bước đi nhằm "đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mà chúng ta đang thấy sang năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nước". Đó không chỉ là những năng lượng sạch mà còn giúp Mỹ trở nên độc lập hơn trước những tình huống như hiện nay.
Ông Biden ủng hộ mạnh mẽ cho năng lượng sạch.
Thượng nghị sĩ Rob Portman (Ohio), một người Cộng hòa, thì nói rằng việc hạn chế sản xuất dầu ở Mỹ nhưng vẫn nhập khẩu dầu Nga rõ ràng không phải một phương án thân thiện với môi trường.
"Ai dám chắc rằng dầu Nga được sản xuất theo cách lành mạnh hơn với môi trường so với dầu Mỹ? Thực tế cách họ khai thác dầu bẩn (tốn nhiều năng lượng, tạo ra nhiều phát thải) hơn nhiều so với Mỹ. Đó là chưa kể đến việc những con tàu khổng lồ chở chúng đến đây tạo ra rất nhiều CO2. Chính vì thế, quan điểm cho rằng chúng ta sẽ gây hại cho môi trường khi thoát ly dầu Nga là hoàn toàn không đúng mà ngược lại", ông Portman nói.
Tuy nhiên, một số người Dân chủ lo ngại rằng họ đang bước tới vào một vùng nguy hiểm khi áp dụng chính sách có thể làm tăng giá năng lượng, vốn đã tăng vọt, nhưng lại chẳng thể gây ảnh hưởng tới kinh tế Nga, nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia tỷ dân, vẫn mở cửa với dầu của Nga.
Trong khi đó, châu Âu có thể cảm nhận rõ rệt nhất những đâu đớn khi thế giới nhằm vào dầu Nga. Moscow xuất khẩu 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và khoảng 60% trong số đó xuất sang châu Âu. Cùng với đó, giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng cho tới khi rủi ro biến mất hoặc suy thoái xảy ra.
Bên cạnh việc tiếp tục gây sức ép với chính quyền Biden, các nghị sĩ Cộng hòa cũng báo hiệu rằng họ không có kế hoạch từ bỏ các cuộc tấn công nhằm vào Chính sách khí hậu của Tổng thống Biden cũng như việc xử lý lạm phát của ông.
Họ muốn Mỹ nắm lấy vai trò của nhà xuất khẩu năng lượng và thúc giục các công ty dầu của Mỹ tăng cường sản xuất đồng thời loại bỏ những hạn chế mà Chính quyền Biden đang áp dụng lên ngành công nghiệp dầu mỏ nước này.
Không chỉ riêng dầu mỏ Nga, chính sách năng lượng và cả chính quyền Biden cũng đang nằm dưới sự công kích từ các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Tham khảo: Washington Post