Sáng 1/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Tại hội nghị, các chuyên gia giao thông, nhà khoa học… có nhiều ý kiến phản biện về việc cấm xe máy vào một số khu vực nội đô. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu lập luận đơn giản rằng "tăng xe buýt, phương tiện công cộng thì người dân bớt đi xe máy" là không thực tế. TPHCM là đô thị lớn, có đông dân nhập cư, đến 3/4 người dân di chuyển và có đời sống kinh tế phụ thuộc vào xe máy với khoảng 8 triệu xe gắn máy như hiện nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cấm xe máy vào nội đô TP.HCM năm 2030 là không khả thi. |
Thành phố lại có cấu trúc đường hẻm nhiều, nên nếu muốn cấm hoàn toàn xe máy thì gần như phải đập bỏ và xây dựng lại toàn bộ. Điều này là không khả thi. Thêm nữa, nếu không tính kĩ thì sẽ đẩy sang xu hướng chuyển từ xe máy qua ô tô, hoặc sẽ biến thành phố thành bãi xe khổng lồ… Bên cạnh đó, đề án có hiệu lực trong khoảng 10 năm tới, khó mà xóa bỏ phương tiện cá nhân bởi thói quen di chuyển, đặc điểm dân cư. Riêng các luật sư thì đặt vấn đề về pháp lý của đề án, bởi quyền tự do đi lại đã được Hiến pháp đảm bảo. |
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải làm điều tra xã hội học, nghiên cứu kĩ các đề xuất để có phương án tối ưu, vừa phát triển giao thông công cộng lại vừa đảm bảo điều kiện sống cho người dân.
“Chúng ta phải có biện pháp để người dân tự nguyện không đi xe cá nhân. Chúng ta phải tính đến các phương tiện khác khi tham gia giao thông. Tôi thấy đề án này cần có thời gian nghiên cứu sâu hơn để đáp ứng giải quyết tình hình ùn tắc và ô nhiễm môi trường của TP”- Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết.
Theo nội dung đề án, khi giảm phương tiện cá nhân và tăng sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần tiết kiệm chi phí chung của xã hội… nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020, vận tải công cộng đảm nhận 15 – 20%, nâng lên khoảng 26% vào năm 2025 và đạt từ 29 – 37% vào năm 2030. Khi thị phần đảm nhận của giao thông công cộng tăng cao, thành phố sẽ tiến hành hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe máy ở một số khu vực trung tâm ở Quận 1, 3, 5, 10… Nguồn kinh phí để thực hiện đề án dự kiến khoảng 323 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn lực nhà nước khoảng 52,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu dùng cho ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng./.